Vụ thảm sát 6 người: Dấu vết 'biết nói' trong căn biệt thự
Những dấu vết, vật chứng gì của nghi can bị lưu tại hiện trường để từ đó cơ quan công an khám phá? Sự thật về những cuộc gọi giữa nạn nhân và người nhà, người quen thời điểm được cho là xảy ra vụ án?
Dấu vết ở hiện trường
Thượng tướng Lê Quý Vương – thứ trưởng Bộ Công an, trưởng ban chỉ đạo chuyên án giết 6 người – cướp tài sản rúng động đã khẳng định, “đến nay lời khai của 2 nghi can bị bắt giữ đã phù hợp với những chứng cứ, dấu vết thu thập được khi khám nghiệm hiện trường và các vật chứng thu giữ được”.
Thứ trưởng Vương cũng nói rõ “về vụ án này, chứng cứ về vật chất thu giữ qua khám nghiệm là rất rõ ràng, thậm chí là những chứng cứ thu được đủ cơ sở giám định rõ ràng về ADN của hung thủ gây án”.
Thứ trưởng Bộ C ông an chủ trì cuộc họp báo công bố thông tin vụ án rúng động vào chiều 11/7
Vậy những dấu vết gì của hung thủ đã lưu giữ ở hiện trường?
Theo đó, sau khi xảy ra vụ án rúng động, lực lượng thuộc các cục nghiệp vụ Bộ Công an phía Nam được điều động khẩn lên hiện trường, trong đó không thể thiếu lực lượng của Phân viện Kỹ thuật khoa học hình sự.
Tại hiện trường, lực lượng này phối hợp với Công an Bình Phước tiến hành rà soát, khám nghiệm kỹ lưỡng hiện trường rộng hàng ngàn mét vuông, không bỏ sót bất kỳ ngóc ngách nào.
Lý giải về những dấu vết nghi là vân tay ở vị trí điểm cao trên cổng của ngôi biệt thự mà báo chí loan tin là dấu vết của hung thủ leo trèo, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, có thể là dấu vết của những người trước đây tỉa cây, sửa chữa lại khu vực cộng biệt thư cho gia đình ông Mỹ.
Công tác khám nghiệm hiện trường xác định là hung thủ có kế hoạch gây án rất bài bản, tỷ mỷ, không để lại tang vật gây án.
Tuy nhiên, từ sáng 7/7 đến rạng sáng 8/7, công tác khám nghiệm có thu giữ nhiều dấu vết giày của hai người lạ trong ngôi nhà, và đặc biệt là dấu vân tay có dính máu nghi là của những kẻ gây án lưu lại các vị trí đặc biệt như: tay vịn cầu thang, vị trí cửa ra vào các phòng...
Theo đó, có khoảng 80 dấu vết của người lạ trong căn nhà được thu giữ cẩn thận và nhanh chóng đưa đi xét nghiệm để trưng cầu kết quả.
Một chuyên án được xác lập do Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm trưởng ban, đại tá Trần Thắng Phúc – Giám đốc CA Bình Phước làm phó ban.
Ngoài ra, có một ban chỉ đạo điều tra chuyên án do Thứ trưởng Bộ CA, Thượng tướng Lê Quý Vương làm trưởng ban. Những cuộc họp kín được diễn ra liên tục để đánh giá các chứng cứ, các hướng điều tra.
Theo thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự (cũng giữ vai trò là phó ban chuyên án) thì, quá trình họp xem xét kỹ lưỡng, kết hợp với các hướng trinh sát, điều tra khác thì cuối cùng đến sáng 9/7 ban chuyên án đưa Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang, tạm trú Hóc Môn, TP.HCM), là người có quan hệ tình cảm với nạn nhân Linh, vào diện nghi vấn.
Đến chiều 9/7, ban chuyên án quyết định “chụp” Dương khi hắn ta có mặt tại đám tang của gia đình nạn nhân.
Qua đấu tranh và từng bước trưng ra những bằng chứng, kết quả giám định các dấu vết thì hơn 1 ngày đêm sau, Dương đã khai nhận.
Từ đó, thêm đối tượng Tiến bị bắt giữ và toàn bộ vụ án được đưa ra ánh sáng.
Giải mã những cuộc gọi bí ẩn
Từ khai báo của Dương, công an truy xét và bắt giữ Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước, tạm trú huyện Hóc Môn) ngay trong đêm 10/7 tại một điểm ở xã Nhị Bình 2, huyện Hóc Môn.
Những hung khí, trong đó có 2 con dao dính máu của các nạn nhân và các tài sản như tiền, ĐTDĐ, Ipad mà chúng cướp được đã được thu giữ đầy đủ.
Từ những chứng cứ đầy đủ, rõ ràng như nói trên, cả 2 khai báo thành khẩn. Và chi tiết về kế hoạch tội ác và diễn biến khi gây án đã được phanh phui đầy đủ.
Tuy nhiên, dư luận vẫn đang hoài nghi về thông tin có hay không thời điểm các nạn nhân bị khống chế đã thực hiện một số cuộc gọi điện cho người thân gia đình hay người quen để cầu cứu.
Và thượng tướng Lê Quý Vương đã giải đáp: “Những cuộc gọi này, quá trình điều tra là có thật”.
Còn Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự nói rõ hơn, nạn nhân Linh và Dư Ngọc Tố Như (SN 1997) bị 2 đối tượng khống chế, dùng băng keo bịt miệng, cột tay vào song sắt cửa sổ tại phòng ngủ tầng 1.
Khi chúng xuống tầng trệt, Linh cố gắng giữ được ĐTDĐ ở ngay bên cạnh.
Lúc này Linh bấm được số ông Hưng (là em ruột của nạn nhân Nguyễn Lê Thị Ánh Nga, SN 1973).
Tuy nhiên, trong điều kiện bị trói chặt, miệng bị dán băng keo, Linh chỉ có thể nói một cách lí nhí, khó khăn “cậu Hưng ơi”, sau đó thì không thể nói gì được nữa.
Ông Hưng có gọi lại cho Linh nhưng không được nên gọi vào số máy của bà Nga.
Lúc này, bà Nga bị khống chế ngay tại tầng trệt. Khi có cuộc gọi đến, hai đối tượng cho bà Nga nghe máy, nhưng do điều kiện đang bị khống chế nên bà phải theo lệnh của những kẻ gây án, chỉ nói với em trai qua điện thoại “không có gì đâu!” rồi phải tắt máy.
Về cuộc gọi sau đó của bà Nga cho tài xế hay đến khuôn viên biệt thự chở củi, được biết, Dương có thời gian qua lại nhà bà Nga nên biết rõ, thời điểm hơn 4h sáng mỗi ngày có tài xế đến bốc củi chở đi.
Sau khi bà Nga trả lời cuộc gọi bất chợt của người em trai, Dương khống chế, yêu cầu nạn nhân này thực hiện cuộc gọi cho tài xế xe củi, vì lo ngại, nếu người đó đến chở củi thì kế hoạch của chúng sẽ đổ bể.
Theo lệnh, bà Nga gọi điện báo cho tài xế chở củi “hôm này không cần đến sớm chở củi nữa đâu, sáng rồi hãy đến” rồi cũng cúp máy.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng. Đại tá Trần Thắng Phúc – Giám đốc công an và ông Lê Đức Xuân – Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước đều trao đổi, qua họp liên ngành đã xác định nợi dung vụ án rõ ràng, đầy đủ về chứng cứ, tang vật và lời khai.
Cuộc họp liên ngành đánh giá đây là án điểm và sẽ sớm hoàn tất hồ sơ, đưa ra xét xử lưu động, sớm nhất có thể là trong 1 tháng nữa.