Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Đất rừng trồng sầu riêng là không đúng quy định

Dương Hưng,
Chia sẻ

Lãnh đạo Cục Kiểm Lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tại khu vực sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) là rừng phòng hộ. Theo quy định, ở khu vực này phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển và lá không rụng theo mùa. Việc Lâm Đồng trồng sầu riêng tại rừng phòng hộ là không đúng quy định.

Chiều 1/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ.

Liên quan thông tin phản ánh phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị sạt lở đều là đất lâm nghiệp được trồng sầu riêng, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Kiểm lâm - cho hay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đang chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, trước mắt nguyên nhân được xác định do lượng mưa lớn kéo dài và thảm thực bì tại đèo khá yếu.

Theo ông Lực, việc trồng sầu riêng tại những khu vực này không đảm bảo độ che phủ. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 156 thi hành Luật Lâm nghiệp trong đó quy định rất rõ về việc trồng 3 loại rừng gồm đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

“Tại khu vực sạt lở là rừng phòng hộ. Ở khu vực này theo quy định phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển và lá không rụng theo mùa. Tuy nhiên, địa phương lại trồng sầu riêng. Đây thuộc trách nhiệm của địa phương và sẽ được làm rõ trong thời gian tới”, lãnh đạo Cục Kiểm lâm cho hay.

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Đất rừng trồng sầu riêng là không đúng quy định - Ảnh 1.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Kiểm lâm cho rằng, việc Lâm Đồng trồng sầu riêng tại rừng phòng hộ là không đúng quy định.

Tại họp báo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra các nhận định về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sau khi Ấn Độ và một số nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết, năm nay theo kế hoạch Việt Nam gieo cấy 7,1 triệu ha. Đến thời điểm này, Cục đã đi kiểm tra tình hình sản xuất tại một số địa phương trọng điểm và nhận thấy nếu không có điều kiện bất thường, vụ hè - thu và vụ mùa sắp tới sản lượng lúa gạo của Việt Nam sẽ đạt kỷ lục, nâng sản lượng cả năm đạt trên 43 triệu tấn.

Theo ông Cường, theo kế hoạch diện tích trồng lúa của Việt Nam chỉ có giảm, không tăng. Tuy nhiên, trước tình hình một số nước cấm xuất khẩu gạo tạo cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam , Bộ NN&PTNT đang tham mưu Chính phủ tranh thủ thời cơ, tập trung giải pháp về mặt kỹ thuật để nâng cao năng suất lúa đồng thời nâng diện tích sản xuất từ 650 nghìn lên 700 nghìn ha.

“Với tình hình này, năm nay sản lượng gạo xuất khẩu có thể xuất khẩu vượt kỷ lục hơn 7,2 triệu tấn, cao hơn cả năm ngoái”, ông Cường nói.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt đánh giá việc các doanh nghiệp tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu sẽ khiến giá lúa gạo trong nước tăng. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo tăng dự trữ nguồn gạo quốc gia và năm nay nguồn cung vụ đông - xuân 2023-2024 đến sớm (do nhuận 1 tháng) nên Việt Nam hoàn toàn yên tâm về việc đảm bảo an ninh lương thực và nguồn cung trong nước.

Chia sẻ