Vụ sát hại nữ người mẫu trẻ gây rúng động Hollywood cách đây 28 năm: Nạn nhân rơi vào tầm ngắm của tên biến thái và cái kết bi thảm
Nữ người mẫu trẻ mãi dừng lại ở tuổi 27 chỉ vì tin lời tên nhiếp ảnh gia biến thái.
Cách đây khoảng 28 năm, làng giải trí Hollywood không khỏi rúng động trước vụ án mạng của nữ người mẫu Linda Sobek (sinh năm 1968) với những tình tiết dã man và vô cảm mà hung thủ - nhiếp ảnh gia Charles Rathbun gây ra. Tới đây dù đã 28 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc lại, công chúng đều không khỏi rùng mình vì sự biến thái của hung thủ.
Thời điểm gặp nạn, Linda Sobek đang là nữ người mẫu được nhiều tạp chí thời trang lớn thế giới săn đón với nhiều hứa hẹn trong sự nghiệp. Cô cũng từng được kỳ vọng trở thành nữ diễn viên hàng đầu Hollywood. Thế nhưng vì tin sai người mà Linda Sobek đã phải rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi thảm. Sau khi bị Charles Rathbun xâm hại rồi giết hại, Linda Sobek còn bị chôn ở vùng đất hoang vắng. Đội ngũ điều tra phải mất tới 9 ngày mới tìm được thi thể của Linda Sobek.
Cuộc gọi cuối với mẹ trước khi gặp nạn
Vào ngày 16/11/1995, trước khi tới gặp Charles Rathbun vì công việc, Linda Sobek đã gọi điện cho mẹ và báo rằng, cô đã đặt lịch chụp ảnh. Nữ người mẫu còn hứa rằng, sẽ gọi lại cho mẹ sau khi xong việc, nhưng hoàn toàn không có sau đó. Và đấy chính là lần cuối cùng mẹ Linda Sobek được nghe thấy giọng con gái mình.
Tới ngày 17/11/1995, mẹ Linda Sobek đã gọi báo cảnh sát về việc con gái bà mất tích. Trung úy Mark Wright - hiện tại đã nghỉ hưu là người trực tiếp nhận vụ án này chia sẻ rằng: "Giới truyền thông đã chú ý về vụ việc này vì trước khi chuyển sang làm người mẫu ảnh, Linda Sobek từng giữ vị trí hoạt náo viên cho đội Los Angeles Raiders. Chúng tôi đã nhận được khoảng 100 cuộc gọi tới mỗi ngày".
Dĩ nhiên, cảnh sát đã đặt nghi vấn thông qua các mối quan hệ của Linda Sobek. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy, bạn trai cũ cũng như hiện tại và đồng nghiệp có liên quan tới sự mất tích của Linda Sobek. Tới ngày 21/11/1995, cảnh sát nhận được báo án từ một người đàn ông. Người này cho biết, bản thân đã tìm thấy những bức ảnh chụp body của Linda Sobek ở khu vực Rừng quốc gia Angeles. Những bức ảnh này được tìm thấy trong thùng rác của khu vực này.
Cảnh sát ngay lập tức mở rộng điều tra tại khu vực này và tìm ra nhiều bức ảnh của Linda Sobek cùng một cuốn sổ ghi kế hoạch hàng ngày trong một chiếc túi. Trong số đó nhiều bức ảnh đã bị xé rách. Điều này khiến cảnh sát đặt nghi vấn chuyện đây không chỉ là vụ mất tích mà là vụ giết người.
Hung thủ tự để lộ sơ hở
Cảnh sát đã vận chuyển toàn bộ rác từ Rừng quốc gia Angels để tìm kiếm manh mối. Sau một thời gian tích cực tìm kiếm, cảnh sát đã tìm ra một hợp đồng thuê chiếc xe SUV nguyên mẫu của Lexus. Hợp đồng ghi rõ tên người thuê là nhiếp ảnh gia Charles Rathbun.
Được biết, Charles Rathbun đã trả lại chiếc xe vào ngày 20/11, tức là khoảng 3 ngày sau khi Linda Sobek được báo mất tích. Chiếc xe ngay sau đó đã được đưa tới phòng thí nghiệm để kiểm tra và làm các bước xét nghiệm. Kế đến Charles Rathbun đã bị yêu cầu có mặt tại sở cảnh sát để hỗ trợ điều tra. Thông qua cuộc điện thoại với cảnh sát Charles Rathbun khai rằng, bản thân đã gặp Linda Sobek tại nhà hàng Denny ở Torrance, California hôm 16/11/1995.
Charles Rathbun cho biết, khi gặp mặt, nam nhiếp ảnh gia này nói rằng, anh đang cần một người mẫu để chụp ảnh quảng cáo cho Lexus. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia này nói rằng, Linda Sobek không phù hợp với công việc nên sau đó nữ người mẫu đã rời đi.
Charles Rathbun còn bình thản nói rằng, có lẽ cảnh sát nghĩ rằng anh là người cuối cùng gặp nữ người mẫu. Từ câu nói này, cảnh sát lập tức nhận ra sơ hở, bởi lẽ họ chưa từng ám chỉ rằng, Charles Rathbun là người cuối cùng gặp Linda Sobek.
Sau khi ghi nhận lời khai của Charles Rathbun có nhiều điểm nghi vấn, cảnh sát đã cho người tiến hành kiểm tra tại khu vực nhà hàng Denny - nơi nhiếp ảnh gia này khai là từng gặp mặt Linda Sobek. Tại đây, cảnh sát đã tìm thấy xe của Linda Sobek. Giới chức điều tra chắc chắn rằng, Charles Rathbun chưa từng rời đi ngay sau cuộc hẹn như những gì đã khai nhận với cảnh sát.
Lộ quá khứ biến thái, bạo lực
Dù trước đó đã đồng ý yêu cầu trình diện tại sở cảnh sát, nhưng Charles Rathbun đã vắng mặt. Do vậy cảnh sát đã cử đội giám sát đến nhà của nam nhiếp ảnh gia này. Ngay khi thấy cảnh sát tới, Charles Rathbun đã bước ra khỏi nhà và nổ súng. Được biết, Charles Rathbun đã uống rượu cùng những người bạn của mình. Trong tình trạng say xỉn, Charles Rathbun đã lỡ miệng nói rằng, bản thân chịu trách nhiệm về sự mất tích của Linda Sobek.
Sau khi biết mình lỡ miệng, Charles Rathbun đã sử dụng súng và vô tình viên đạn đã bắn trúng cánh tay của một người bạn. Ngay sau đó, nam nhiếp ảnh gia bị bắt vì tội tấn công người khác bằng vũ khí nguy hiểm. 2 người bạn sau đó đã khai với cảnh sát những gì Charles Rathbun nói với họ về Linda Sobek. Tuy nhiên, tung tích của Linda Sobek thì Charles Rathbun lại chưa hề nói gì.
Tại sở cảnh sát, Charles Rathbun đã khai rằng, anh ta cùng Linda Sobek đã lái chiếc Lexus tới sa mạc Mojave - nơi họ chụp hình với cảnh lòng hồ khô El Mirage. Khu vực này cách Rừng quốc gia Angeles khoảng 40 dặm. Tại đây, Charles Rathbun đã yêu cầu Linda Sobek chụp một kiểu dáng nhưng nữ người mẫu không làm đúng. Sau đó, anh ta đã vô tình tông xe vào khiến Linda Sobek thiệt mạng tại chỗ. Charles Rathbun khai rằng, bản thân có nghĩ đến việc đưa Linda Sobek tới bệnh viện, nhưng do hoảng sợ mà đã chôn xác nữ người mẫu.
Nam nhiếp ảnh gia sau đó đã đưa cảnh sát tới nơi chôn thi thể. Tuy nhiên, lại cố tình đưa cảnh sát tìm kiếm lòng vòng suốt 6 giờ đồng hồ. Tại nhà của Charles Rathbun, cảnh sát thu thập được hơn 100 khẩu súng cùng một gói đồ chứa dây và băng keo. Những vật dụng này được cho là sử dụng để trói người khác.
Sau khi bị buộc tội giết người, Charles Rathbun đã cố gắng tự sát trong phòng giam bằng dao cạo râu. Trên tường ở phòng giam, Charles Rathbun còn để lại dòng chữ bằng máu với nội dung: "Tôi xin lỗi, tôi không cố ý làm tổn thương bất cứ ai".
Tuy nhiên, cảnh sát đã tinh ý phát hiện ra hành động tự sát chỉ là thủ đoạn của Charles Rathbun. Bản thân tên hung thủ này không hề hối hận về hành động của mình. Sau một thời gian tìm kiếm, cảnh sát đã thấy thi thể của Linda Sobek. Thi thể của nữ người mẫu còn nguyên vẹn do nhiệt độ bên ngoài lạnh. Đáng chú ý, trên thi thể của Linda Sobek hoàn toàn không có dấu hiệu bị xe tông. Những vết thương trên mắt cá chân cho thấy, nữ người mẫu dường như đã bị khống chế trước khi chết. Báo cáo khám nghiệm tử thi kết luận rằng, Linda Sobek tử vong do chấn thương nặng ở vùng đầu và bị ngạt thở. Cô cũng có dấu hiệu bị xâm hại tình dục và bạo lực.
Thực tế, vài năm trước đó, Charles Rathbun từng bị bắt giữ vì cáo buộc cưỡng dâm đồng nghiệp. Cô gái này là người mẫu Kimberly Pandelios sau đó đã được tìm thấy bị sát hại tại công viên quốc gia Nam California năm 1992. Charles Rathbun bị xem là nghi phạm số một trong vụ án mạng này. Tuy nhiên, nam nhiếp ảnh gia này khẳng định rằng, 2 bên đều là tự nguyện. Do thiếu bằng chứng nên Charles Rathbun đã được trắng án. Sau khi lật lại hồ sơ, cảnh sát nhanh chóng tìm ra điểm chung giữa hai vụ án này là đều xảy ra khi chụp hình liên quan đến ô tô.
Tại phiên tòa xét xử, Charles Rathbun bị buộc tội tấn công tình dục và giết người cấp độ một. Dù vậy, tên này vẫn cố biện hộ rằng, thời điểm đó Linda Sobek đã uống rượu say và bắt đầu la hét, mất khống chế. Anh ta vô tình bóp cổ nữ người mẫu đến chết trong lúc cố trấn an cô. Đồng thời tên này cũng khẳng định cả hai đồng thuận trong việc quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, công tố viên cho rằng, Charles Rathbun đã tấn công nữ người mẫu vào đầu, trói chân tay và tấn công tình dục nạn nhân. Một số người mẫu đã ra tòa vạch mặt Charles Rathbun thường xuyên dụ dỗ họ quan hệ tình dục lúc chụp hình. Nếu họ không đồng ý, tên này sẽ trở nên cáu gắt và hành hung đối phương.
Anh trai Charles Rathbun sau đó đã cung cấp loạt cuộn phim ảnh khiêu dâm mà tên này lưu trữ. Những cuộn băng này đều là hình ảnh khêu gợi của các cô người mẫu Charles Rathbun từng làm việc chung, trong đó bao gồm cả Linda Sobek.
Cuối cùng Charles Rathbun bị tòa tuyên án tù chung thân trong phiên tòa diễn ra vào năm 1996. Vụ án này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận và làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của những người mẫu khi làm việc cùng các nhiếp ảnh gia.