Vụ phụ huynh xôn xao vì cô giáo yêu cầu "đọc thông, viết thạo" trước khi vào lớp 1: Trưởng phòng GD&ĐT nói gì?
Liên quan đến vụ việc, trưởng phòng GD&ĐT đã có phản hồi.
Gần đây một phụ huynh đã bức xúc khi cô giáo chủ nhiệm lớp 1 yêu cầu các con phải học “cấp tốc” tiền lớp 1 để làm sao vào năm học mới các con biết đọc, biết viết. Người này cho biết cháu của cô đăng ký vào lớp 1 ở trường Tiểu học Trần Phú (Hà Đông).
Bài viết thu hút hơn 200 bình luận hiện đã bị xóa. Tuy nhiên, tình huống trên ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay. Ai cũng cho rằng yêu cầu của cô giáo là vô lý bởi lẽ học trực tuyến là giải pháp tình thế. Hơn nữa chuẩn đầu ra của học sinh lớp 1 cũng chỉ là đọc thông, viết thạo. Nếu yêu cầu các con đọc thông viết thạo rồi thì cần gì học lớp 1.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết sau khi nhận được thông tin phản ánh, phía trường Tiểu học Trần Phú đã họp toàn bộ giáo viên lớp 1 để xác nhận sự việc. Tất cả giáo viên đều khẳng định không ai đưa ra phát ngôn yêu cầu trẻ vào lớp 1 phải đọc viết thành thạo.
Bà Hằng nhấn mạnh thông tin của phụ huynh trên là không chính xác. Người đăng bài cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng, thông tin cụ thể để chứng minh vụ việc. Hiện, học sinh lớp 1 tại trường Tiểu học Trần Phú mới chỉ nhập học, làm quen với giáo viên, bạn bè. Việc giáo viên yêu cầu trẻ đọc thông viết thạo hoàn toàn không xảy ra.
Do ảnh hưởng của Covid-19, ban đầu, trẻ sẽ được hướng dẫn bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, việc hướng dẫn này chỉ mang mục đích giúp trẻ làm quen với môi trường học tập, đồng thời tận dụng thời gian ở nhà trong mùa dịch.
Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng một số nội dung cơ bản để phụ huynh có thể hướng dẫn con học tại nhà. Sau khi tình hình ổn định, trẻ được đến trường, việc dạy và học mới chính thức bắt đầu. Bà Hằng khẳng định, toàn bộ kiến thức của lớp 1 sẽ được dạy lại từ đầu khi học sinh đi học trực tiếp. Chủ trương này nhằm giúp trẻ nắm rõ kiến thức, tránh để tình trạng chênh lệch giữa các học sinh.