Vụ ngộ độc Botulinum tại TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy nỗ lực cứu chữa 2 bệnh nhân

N.M (t/h),
Chia sẻ

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực cứu chữa 2 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Đây là hai anh em ruột, 26 tuổi và 18 tuổi, cùng trú tại TP Thủ Đức.

Đã sang ngày thứ 15 kể từ ngày 2 bệnh nhân bị ngộ độc. Các bác sĩ đang cố gắng điều trị tích cực để phòng ngừa biến cố, ngăn chặn bệnh tiến triển xấu hơn.

Người em ngay khi nhập viện đã bị liệt cơ, đến hiện tại chưa có sự cải thiện và hồi phục. Người anh nhập viện trong tình trạng khá hơn. Tuy nhiên, sau 14 ngày điều trị, tình trạng liệt cơ cũng không tiến triển.

Triệu chứng ban đầu của 2 người là mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, đau bụng và tiêu chảy rồi bắt đầu yếu cơ, khó nuốt.

Liên quan đến vụ ngộ độc Botulinum, 1 bệnh nhi được điều trị tại BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh đã ra viện lúc 16h ngày 26/5. Sức khỏe của em đã bình phục nhưng chân tay, sức cơ còn yếu, phải tiếp tục tái khám.

2 bệnh nhi còn lại vẫn đang phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và sẽ còn phải điều trị lâu dài. Cả 3 em đều đã được kịp thời sử dụng số thuốc giải độc cuối cùng còn lại khi đó.

Trước đó, sáng 25/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 1 tuần điều trị, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc Botulinum đã tử vong.

Nạn nhân này được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu ngày 15/5 trong tình trạng yếu sức cơ, khó nuốt do ăn mắm ủ lâu ngày. Trong mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của người đàn ông này có sự hiện diện của vi khuẩn Botulinum.

Diễn tiến bệnh chuyển nặng dần với các biểu hiện liệt cơ, nạn nhân phải thở máy và điều trị kháng sinh, sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Dù các bác sĩ đã cố gắng tìm mọi cách điều trị nhưng nạn nhân dần suy đa cơ quan, ngưng tim và không qua khỏi.

Tối 24/5, 6 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Số thuốc giải này được phân phối cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thời điểm nạn nhân tử vong, thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp đã về đến bệnh viện nhưng bệnh nhân đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc.

Chia sẻ