Vụ lái xe taxi bị đánh tử vong ven Hồ Tây: “Đủ yếu tố cấu thành tội giết người”
Trao đổi với Thời báo VTV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) đưa ra ý kiến vụ việc dưới góc độ pháp lý.
Vụ việc tài xế taxi hãng G7 nghi bị 2 thanh niên điều khiển xe mô tô đánh tử vong rất thương tâm ở đường ven Hồ Tây đã gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận xã hội. Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh, tính mạng con người là điều cao quý và quan trọng nhất. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh nhất.
Nguyên nhân vụ việc sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi xem xét vụ việc, theo quan điểm của luật sư Thơm, rất có thể do mâu thuẫn tham gia giao thông, 2 đối tượng đã điều khiển xe mô tô đuổi theo chặn lại và hành hung lái xe.
Đoạn đường ven Hồ Tây hẹp, thời điểm xảy ra vụ việc lúc tan tầm, đông người qua lại nên rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Dù lái xe ô tô có va chạm hay mâu thuẫn gì thì việc 2 đối tượng sử dụng vũ lực đánh tử vong lái xe là không thể chấp nhận được, cần xử lý nghiêm. Trường hợp có mâu thuẫn hay va chạm giao thông gây ảnh thiệt hại đến tài sản, sức khỏe thì phải thông báo cho Cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Xét hành vi của 2 đối tượng, rất có thể do mâu thuẫn giao thông đã sử dụng vũ lực đánh nạn nhân chấn thương sọ não tử vong dã man đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Trước đó, vào khoảng hơn 16 giờ ngày 4/3, ông Lưu Xuân Tr. (SN 1980; quê ở tỉnh Thái Nguyên) điều khiển xe taxi BKS 30E-625.xx đang di chuyển trên tuyến đường ven hồ, đoạn cuối phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An, quận Tây Hồ) thì bị 2 người đàn ông đi xe máy BKS tỉnh Thanh Hoá chặn đầu xe.
Hai người này sau đó hành hung nạn nhân dã man.
Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và bị chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, đến 15 giờ ngày 5/3 thì tử vong.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng chia sẻ thêm, rất nhiều các vụ việc sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn va chạm giao thông đã được hệ thống Tòa án khắp cả nước xét xử rất nghiêm minh. Với hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn nhiều hạn chế trong khi mật độ phương tiện gia tăng thì khó tránh khỏi các xung đột giao thông. Do đó, tham gia giao thông cần phải bình tĩnh, chấp hành đúng luật giao thông đường bộ và cần có văn hóa ứng xử phù hợp, văn minh. Nhiều khi 1 câu nói đúng mực có thể giải quyết cả 1 hậu quả lớn, nhưng 1 câu nói không chuẩn mực thì hậu quả rất khó lường...
Điều 123 Bộ luật hình sự quy định:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.