Vụ khách nữ mất chân do băng chuyền đi bộ ở sân bay Thái Lan: Dấu hỏi về tính an toàn của thiết bị
Gần đây, một người phụ nữ ở Thái Lan đã bị mất một phần chân sau khi mắc kẹt vào băng chuyền đi bộ. Vụ tai nạn đã thu hút rất nhiều sự chú ý về tính an toàn của các loại thiết bị di chuyển tương tự.
Nhà chức trách Thái Lan cho biết một hành khách tại sân bay Don Mueang, Bangkok, đã không may mất một phần chân và buộc phải cấp cứu trong tuần này sau khi gặp tai nạn với băng chuyền đi bộ.
Vụ tai nạn xảy ra với một người phụ nữ 57 tuổi vào hôm 29/6 tại nhà ga nội địa của Don Mueang International, sân bay cũ và nhỏ hơn trong số hai sân bay lớn phục vụ thủ đô Bangkok.
Không rõ chính xác diễn biến của sự việc. Các phương tiện truyền thông địa phương ban đầu đưa tin rằng chân của người phụ nữ đã bị kéo vào lối đi sau khi bà vấp phải vali. Nhưng gia đình bà cho biết hôm 1/7 rằng bà đang đi lại bình thường thì một phần của lối đi bị sập.
Theo New York Times, chân người phụ nữ đã bị cắt cụt đến xương bánh chè sau vụ tai nạn. Các nhà chức trách Thái Lan hiện đang cố gắng xác định xem vụ tai nạn là do lỗi của con người hay do trục trặc thiết bị.
Con trai của nạn nhân, Krit Kittirattana, đã đưa ra một tuyên bố trên Facebook, trong đó anh mô tả vụ tai nạn là rất "đau lòng".
Anh cho biết mẹ anh đã được phẫu thuật nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ biến chứng tiềm ẩn và các bác sĩ đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.
"Mẹ tôi đã tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình qua khuôn mặt và giọng nói. Nhưng trong sâu thẳm, chúng tôi biết rằng trái tim bà ấy tan nát vì đột nhiên bị mất đi một chân", anh viết.
Anh nói thêm rằng gia đình đã yêu cầu xem camera giám sát ghi lại vụ tai nạn.
Karant, Giám đốc sân bay, cho biết Airports Of Thailand (AOT), công ty nhà nước điều hành các sân bay trên cả nước, sẽ lo mọi chi phí y tế và bồi thường.
Ông nói thêm rằng tất cả các lối đi băng chuyền của sân bay đã bị đình chỉ dịch vụ trong khi điều tra nguyên nhân vụ việc và các kỹ sư kiểm tra an toàn.
Các đường băng chuyền đi bộ khá phổ biến ở các sân bay trên khắp thế giới khi giúp hành khách di chuyển một quãng đường xa trong nhà ga, đặc biệt nếu họ gặp bất tiện thân thể hoặc mang nhiều hành lý.
Băng chuyền đi bộ đôi khi còn được gọi nhầm là thang cuốn vì chúng sử dụng công nghệ tương tự và di chuyển với cùng tốc độ - thường là khoảng 30m mỗi phút hoặc hơn 1,6km mỗi giờ.
Sự khác biệt nằm ở độ nghiêng. Thang cuốn nằm ở khoảng 30 độ, nhưng độ nghiêng của băng chuyền đi bộ thường không quá 1/10 độ dốc đó. Nhiều băng chuyền di chuyển trên mặt phẳng ngang.
Thang cuốn và băng chuyền tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của hàng tỷ người qua các sân bay, trung tâm mua sắm và các không gian công cộng khác mỗi năm. National Elevator Industry, Inc., một tập đoàn công nghiệp ở Hoa Kỳ, ước tính rằng khoảng 105 lượt tỷ hành khách đi thang cuốn hàng năm chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ. Con số đó gấp 13 lần dân số thế giới.
Thang cuốn và băng chuyền đi bộ được coi là rất an toàn. Tuy nhiên, giống như hầu hết mọi hình thức giao thông công cộng, đôi khi chúng gặp sự cố.
Ví dụ, ở Úc, các thanh tra viên ở bang Queensland đã tìm thấy hai ví dụ gần đây về các băng chuyền đi bộ đang hoạt động mà thiếu một pallet, thuật ngữ kỹ thuật cho các thanh kim loại ngăn cách hành khách với máy móc vận hành bên dưới.
Và tại Thái Lan, một hành khách tại Sân bay Quốc tế Don Mueang đã báo cáo bị mất một chiếc giày khi đi băng chuyền vào năm 2019, các phương tiện truyền thông Thái Lan đưa tin trong tuần này.
Khả năng xảy ra tai nạn là rất thấp
Dữ liệu về sự an toàn của băng chuyền đi bộ là khan hiếm. Nhưng nếu chúng ta lần theo dữ liệu an toàn của thiết bị tương tự là thang cuốn, câu trả lời về mặt thống kê là khá an toàn.
Trung bình có hai ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ liên quan đến thang cuốn, thấp hơn so với thang máy, theo đánh giá năm 2013 về dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Xây dựng, một nhóm phi lợi nhuận ở Maryland thực hiện.
Nguy cơ chấn thương thì cao hơn: Khoảng 10.000 chấn thương liên quan đến thang cuốn dẫn đến phải cấp cứu ở Hoa Kỳ mỗi năm. Nhưng ngay cả con số đó cũng cực kỳ nhỏ nếu bạn tính đến nhu cầu sử dụng khổng lồ mà chúng đáp ứng hàng ngày (hơn 100 tỷ lượt di chuyển mỗi năm chỉ tại Hoa Kỳ, như đã nhắc).
Giám đốc sân bay, Karant Thanakuljeerapat, nói với các phóng viên ở Thái Lan, lối đi bộ di chuyển nơi xảy ra vụ tai nạn tuần này đã được sử dụng tại Sân bay Quốc tế Don Mueang từ năm 1996.
Theo dữ liệu của chính phủ, Don Mueang đã vận chuyển hơn 13 triệu hành khách nội địa vào năm ngoái và gần gấp đôi con số này trong những năm ngay trước đại dịch Covid-19. Tức là, trong gần ba thập kỷ, một băng chuyền đó có thể đã vận chuyển hàng chục triệu lượt khách mà chưa gặp vấn đề, cho tới vừa rồi.