Vụ học viên bị chửi "con lợn" dưới góc nhìn sư phạm: 2 thứ không bao giờ có ích trong lớp học là mắng chửi và phạt tiền
Sự việc như một hồi chuông cảnh báo về cả chất lượng giáo viên lẫn thái độ của học viên ở các trung tâm. Để tránh những sự việc tương tự, giáo viên cần tự chiêm nghiệm về phương pháp giảng dạy, học viên cũng nên chủ động tìm hiểu về nơi mình định học, tự giác trong việc chấp hành nội quy và luyện tập tại nhà.
Hai ngày nay, đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo K.T ở trung tâm tiếng Anh M. mắng chửi nhau với học sinh trên lớp đã lan rộng và tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội trên Facebook. Đa số mọi người lên tiếng chỉ trích cô giáo K.T không có tư cách làm giáo viên, nhưng cũng có một phần không nhỏ nói rằng vụ việc lùm xùm này là lỗi của cả hai bên.
Với 7 năm gắn bó với công việc giảng dạy, một giáo viên đã gửi đến chúng tôi bài viết thể hiện quan điểm của cô trong sự việc này.
Lỗi sai của cô nằm ở đâu?
Làm giáo viên, có hai thứ mà tôi tin là không bao giờ có ích, mà chỉ có phản tác dụng, khi áp dụng trong lớp học. Đó là mắng chửi và phạt tiền.
Vấn đề đầu tiên và cũng là lỗi bị lên án nhất của cô K.T, đó là dùng những ngôn từ chợ búa, quát tháo và chửi bới học sinh. Một giáo viên không cần hoàn hảo, nhưng ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên môn, họ còn cần phải đảm bảo được rằng mình luôn đúng mực trong đối nhân xử thế.
Kỷ luật là điều cần thiết mà học sinh cần phải có để có thể tiến xa hơn trong việc học tập, và giáo viên có thể giúp học sinh rèn luyện kỷ luật bằng việc mắng hay áp dụng hình phạt ở những trường hợp thích đáng. Tuy nhiên, việc to tiếng, chửi bới hay so sánh học sinh với con vật là một hành động hết sức phản khoa học và phi giáo dục.
Cô giáo dạy tiếng Anh cùng nam học viên tranh cãi gay gắt ngay trong lớp học - Ảnh cắt từ clip.
Solomon ibn Gabirol, triết gia người Do Thái thế kỷ XI, đã nói: "The test of good manners is to be patient with the bad ones" (Tạm dịch: Để thử thách kỹ năng đối nhân xử thế của một người, hãy xem xem anh ta có thể kiên nhẫn trước lối cư xử tệ hại hay không). Khi mất kiểm soát về hành vi của chính mình, một người sẽ không thể kiểm soát được môi trường xung quanh nữa. Khi bị học sinh gọi là lừa đảo, cô K.T đã cả giận mất khôn đánh mất hình ảnh sư phạm của mình với những lời lẽ xuồng xã chợ búa.
Được biết, cô cũng có thói quen nói năng cộc cằn và nghiêm khắc với học sinh từ lâu. Trong đoạn clip đã từng được đăng tải, cô K.T có giải thích về chuyện này: "Một khi học sinh không hãi, thì nó sẽ không học". Tuy nhiên, đây cũng là một lối mòn suy nghĩ sai lầm điển hình của giáo viên.
Các học thuyết và nghiên cứu thực tế về giáo dục ngôn ngữ hiện đại đã chỉ ra rằng giáo viên không đơn thuần "rót" kiến thức vào đầu học sinh, mà là người tạo môi trường phù hợp, chỉ dẫn, truyền cảm hứng, và giúp đỡ học sinh học tập hiệu quả nhất. Khi giáo viên to tiếng quát nạt học sinh vì "lười", hay vì "dốt", vô số hệ lụy sẽ xuất hiện.
Cô giáo K.T thường xuất hiện trên các video dạy tiếng Anh online của trung tâm do mình quản lý - Ảnh chụp màn hình.
Thứ nhất, khi giáo viên dạy học sinh về kỷ luật bằng cách lên giọng quát mắng thay vì kiên nhẫn chỉ bảo, họ đang cố gắng thể hiện mình là bậc trên, và rằng học sinh phải nghe lời mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Việc này trong mắt học sinh là không công bằng, vì thế học sinh sẽ không phục. Kết quả là, những học sinh có phần ương bướng sẽ cãi lại ngay sau khi bị giáo viên quát, thay vì suy ngẫm và cảm thấy có lỗi về sai lầm ban đầu của mình, dẫn đến việc mắng mỏ phản tác dụng hoàn toàn. Đó chính là điều đã xảy ra ở lớp học của cô K.T.
Thứ hai, việc quát tháo tạo cho môi trường học tập một không khí căng thẳng cho cả lớp chứ không chỉ riêng người bị mắng. Nhiều học sinh, đặc biệt là các em nhỏ tuổi, sẽ cảm thấy sợ hãi khi giáo viên to tiếng, và việc này có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý khó lường cho các em. Một phần lớn các học sinh khác sẽ sinh ra thái độ thù ghét và không còn tin tưởng giáo viên. Dù trong trường hợp nào, những suy nghĩ và thái độ tiêu cực của học sinh cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học cũng như mối quan hệ thầy trò.
Cô giáo trong đoạn clip - Ảnh: FB
Viết về việc này khiến tôi nghĩ đến một mẩu ký ức nhỏ về cô giáo tiếng Anh cũ của mình, người mà tôi đặc biệt tôn trọng và khâm phục cho tới tận ngày nay vì tri thức và thái độ của cô với học sinh.
Hôm đó, không rõ vì lý do gì mà nhiều học sinh không tập trung vào bài giảng, thay vào đó nói chuyện ồn ào khiến cô phải dừng lại. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt đầy nét mệt mỏi của cô - đó là ca dạy cuối của cô trong ngày. Sau khi nhắc nhở trật tự, cô hỏi cả lớp: "Đi học mà học sinh không ngoan không giỏi là lỗi tại ai?" Cả lớp im lặng, còn tôi, là một học sinh biết điều, khẽ trả lời: "Học sinh ạ." Cô lắc đầu: "Là lỗi của giáo viên. Nếu các con thấy lớp học mệt mỏi, không bổ ích, không vui ở đâu thì góp ý để cô tìm cách khắc phục. Còn nếu các con không thấy có vấn đề gì nhưng không muốn học thì có thể xin cô cho ra về. Cô không muốn các con phí thời gian và tiền bạc của bố mẹ để nói chuyện phiếm với nhau."
Tất nhiên, sau những chia sẻ rất thật lòng của cô, cả lớp lên tiếng xin lỗi và sau đó lớp học diễn ra một cách bình thường, vui vẻ nhưng đầy kỷ luật. Những lời nói của cô lúc ấy, giờ được tôi đặt làm kim chỉ nam cho việc dạy học của mình. Và tôi luôn tin rằng, khi một giờ học đi chệch hướng, giáo viên phải là người đủ bản lĩnh để nhận trách nhiệm, và đủ bình tĩnh để khắc phục tình trạng lớp học mà không gây áp lực cho học sinh.
Bên cạnh việc thiếu kiểm soát lời nói, lỗi thứ hai của cô K.T là phạt đánh vào kinh tế, tức là phạt tiền, một cách rất cứng nhắc. Cá nhân tôi, 7 năm đứng lớp chưa bao giờ bắt học sinh đóng tiền phạt, kể cả khi các em tự động đề xuất: "Chị ơi đến muộn hay thiếu bài thì thu tiền phạt đi, rồi cuối tháng lấy tiền đó cả lớp uống trà sữa". Thay vào đó, tôi cũng như nhiều người bạn đồng nghiệp quy định nếu không làm bài thì không cần phải đi học nữa, hoặc bài về nhà nếu 3 lần hoàn thành dưới 70% là sẽ cho nghỉ vĩnh viễn. Không áp dụng phạt tiền là vì, một khi đã có thể đóng tiền để không phải làm bài tập, thì nhiều người sẽ chọn đóng tiền.
Quy định của trung tâm tiếng Anh M. được khẳng định trên website - Ảnh chụp màn hình.
Giáo sư Tâm lý và Kinh tế học hành vi Dan Ariely có nói về quy chuẩn xã hội (social norms) và quy chuẩn thị trường (market norms) trong cuốn Predictably Irrational (Phi lý trí) của ông. Quy chuẩn thị trường, hiểu một cách đơn giản, là sự trao đổi, cho - nhận sòng phẳng giữa các bên. Trong khi đó, quy chuẩn xã hội là các hành vi mang tính thân tình hoặc dựa trên cảm giác về nghĩa vụ xã hội, người này giúp người kia mà không cần trả ơn ngay lập tức, ví dụ như việc tặng quà cho bạn bè, mở cửa giúp bạn gái, hay dắt bà cụ qua đường.
Theo tác giả, hai quy chuẩn này tuyệt đối không nên lẫn lộn với nhau, giống như khi nhận được một món quà thì bạn không nên đề nghị trả tiền cho món quà đó vậy. Việc học sinh làm bài tập về nhà cũng dựa trên quy chuẩn xã hội - họ cảm thấy đó là nghĩa vụ của một người học sinh trong lớp học, vậy nên sẽ cảm thấy có lỗi với giáo viên khi không thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, một khi đã áp dụng tiền phạt, tức là áp dụng quy chuẩn thị trường, học sinh sẽ không cảm thấy có lỗi nữa, vì họ đã nhìn việc này dưới lăng kính thị trường, và họ cảm thấy mình có toàn quyền lựa chọn giữa làm bài hoặc trả tiền. Tất nhiên, hậu quả là có những học sinh sẽ chẳng còn thèm làm bài nữa.
Thêm vào đó, dù hình thức phạt này có hiệu quả đến đâu trong việc giữ kỷ luật của học sinh, một khi đã đưa quy chuẩn thị trường vào lớp học và áp dụng nó một cách quá cứng nhắc như cô K.T, sẽ không tránh khỏi việc mối quan hệ thầy trò biến tướng như chúng ta đã thấy.
Nam học viên trong clip cũng không hề đúng khi vi phạm quy định, cam kết với trung tâm và cô giáo
Nói đi cũng phải nói lại, nam học viên đứng lên chửi cô giáo và người quay clip cũng không hề đúng. Một khi đã quyết định bỏ tiền ra đi học ở đâu thì phải theo các quy định ở đó, chứ không phải là tôi đã đóng nhiều tiền nên tôi nghiễm nhiên được đi học thoải mái mà không cần để ý đến nội quy, không bị phạt hay đuổi khỏi lớp. Cả hai đều là người trưởng thành đã đi làm, vì vậy phải hiểu rõ là trước khi đặt bút ký hay đưa tiền cho ai, cần tìm hiểu và đọc mọi thứ kỹ càng. Nếu chưa tìm hiểu kỹ mà đã đóng tiền đăng ký học thì lỗi thuộc về chính học viên chứ không phải ai khác.
Những thông tin về "kỷ luật sắt" và mức phạt của trung tâm được viết rõ trên trang web và giấy cam kết, vậy nên càng không thể nói là bị lừa đóng tiền. Người học viên ở trong clip chính là người đã châm ngòi cho cuộc cãi vã giữa thầy và trò với lời buộc tội cô giáo là "lừa đảo", đánh vào tự trọng của giáo viên đang đứng lớp khiến cô K.T mất kiểm soát trong lời nói.
Cô K.T lên mạng chia sẻ về "chăm chỉ phí" mà mỗi học sinh phải đóng khi bước vào lớp học. Ảnh cắt từ clip.
Bên cạnh đó, lời lẽ biện minh "bận đi làm nên không thể làm bài" của học viên trong clip cũng phản ảnh tâm lý của nhiều người học tiếng Anh ở Việt Nam. Những lời quảng cáo tràn lan như "Cam kết đạt 6.5 IELTS sau 3 tháng" của nhiều trung tâm tiếng Anh đã khiến cho nhiều người có quan niệm sai lầm rằng chỉ cần đăng ký, đóng một cục tiền rồi đi học vài ba tiếng mỗi tuần trong một thời gian ngắn là sẽ sử dụng được tiếng Anh, để rồi đến lớp thì không tập trung và ở nhà cũng không chịu ôn luyện hay chuẩn bị bài. Đây là một suy nghĩ cực kỳ sai lầm, vì học bất kỳ thứ gì đều cần phải có sự khổ luyện.
Đặc biệt, ngôn ngữ là môn học cần đến cả kiến thức, trí nhớ và phản xạ nhanh, nên việc tự mài giũa ngoài giờ càng quan trọng. Giáo viên có giỏi và dạy hay đến mấy mà học sinh không tự luyện thì cũng không bao giờ đạt được kết quả tốt, đó chính là lý do giáo viên luôn có những quy định hình phạt nhất định để đảm bảo tính kỷ luật. Vì vậy, một khi đã đăng ký đi học thì cần xác định có thể sắp xếp đủ thời gian để luyện tập tại nhà, thay vì năm lần bảy lượt không chịu làm bài tập với cái cớ là đi làm bận rộn rồi xin xỏ để không phải nộp phạt theo cam kết.
Tóm lại, vụ việc lần này như một hồi chuông cảnh báo về cả chất lượng giáo viên lẫn thái độ của học viên khi đi học ở các trung tâm. Để tránh những sự việc tương tự lặp lại, các giáo viên cần tự chiêm nghiệm về những cái hay, cái dở trong phương pháp của mình để giúp lớp học vừa gắn bó vừa đạt hiệu quả tối đa, đồng thời học viên cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ về nơi mình định học, cũng như tự giác trong việc chấp hành nội quy và luyện tập tại nhà.
(Bài viết thể hiện quan điểm của 1 giáo viên đã có 7 năm gắn bó với công việc giảng dạy)