Vụ hàng trăm học viên Học viện Múa kêu cứu: Vẫn "2 không"
Dù Bộ GD&ĐT đã cho phép Học viện Múa Việt Nam (HVMVN) in phôi bằng tốt nghiệp trung cấp, nhưng phụ huynh học sinh chưa hết lo lắng vì con em họ vẫn trong tình trạng “2 không”: không bằng THCS, không bằng THPT.
Hai vấn đề mà 325 phụ huynh học sinh quan tâm là bằng chuyên môn (trung cấp) và bằng văn hoá (bằng THCS, bằng THPT) của con em họ sau khi tốt nghiệp. Trong công văn trả lời Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT đồng ý để HVMVN được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho những trường hợp đã hoàn thành đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT của Bộ VHTTDL ban hành ngày 1/10/2004. Đồng thời, cho phép HVMVN cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT cho những em đã hoàn thành chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Chị Thu Phương (có con học tại HVMVN từ năm 2017) nói rằng, với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, con em họ mới chỉ được cấp bằng trung cấp, còn hướng giải quyết cấp bằng THCS, THPT cho học sinh không được đề cập đến.
Theo chị Phương, điều này khiến học sinh chịu thiệt và phụ huynh lo lắng. Thực tế ở lớp con chị, sau một thời gian học, một số em không tiếp tục theo đuổi được vì nhiều nguyên nhân. Nếu không có bằng THCS, làm sao các con có thể thi vào lớp 10 ở các trường THPT bình thường?
Tại buổi làm việc với báo chí chiều 1/4, trước câu hỏi của phóng viên về việc HVMVN sẽ giải quyết vấn đề bằng văn hoá như thế nào đối với những học sinh đang theo học, ông Trần Văn Hải, quyền Giám đốc HVMVN, đã không trả lời.
Bà Đỗ Thị Bích Ngọc (có con theo học tại HVMVN) cho rằng, nếu giờ bắt học sinh HVMVN đã học xong nhưng chưa được cấp bất kỳ văn bằng nào quay lại học phổ thông mới cho xét tốt nghiệp THCS và thi tốt nghiệp THPT thì đó là một sự bất công, do các con đã quá lứa tuổi học phổ thông. Bà đề xuất, với học sinh đã học xong lớp 9 tại HVMVN, cần được tổ chức học bù và cấp bằng THCS để đủ điều kiện đăng ký học tiếp THPT ở các trường THPT hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh đang học lớp 7, 8, 9 tại HVMVN được học văn hóa đầy đủ như học sinh các trường phổ thông, được cấp mã định danh để các con được xét tốt nghiệp THCS.
Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định lại rằng, cần rà soát đề án để xem các em còn thiếu những gì, cần học bổ sung những gì. Việc này cần có sự hỗ trợ của một trung tâm giáo dục thường xuyên, nơi tổ chức cho các em học bổ sung và là nơi để các em đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT chung cuối năm học.
Rối ở đâu phải gỡ ở đó
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 2/4, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học - Bộ GD&ĐT nói rằng, sở dĩ phần trả lời Bộ VHTTDL của Bộ GD&ĐT không đề cập phương án giải quyết như thế nào với hàng trăm học sinh HVMVN không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT là do Bộ VHTTDL không đặt ra vấn đề này.
Theo ông Thành, công văn của Bộ VHTTDL gửi Bộ GD&ĐT chỉ đề xuất 2 việc (cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hoá THPT cho học sinh), nên Bộ GD&ĐT chỉ trả lời 2 nội dung đó.
Trước lo lắng của phụ huynh học sinh, ông Thành cho rằng, vấn đề này có thể được giải quyết theo hướng khi Bộ VHTTDL và HVMVN có đề xuất, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà học sinh đã được học như thế nào. Muốn xét tốt nghiệp THCS, các em phải được học bổ sung đủ khối lượng kiến thức quy định mới được đưa vào diện xét cấp bằng. Vì thế, phải rà soát chương trình học của các em, trên cơ sở đó mới làm việc với Phòng GD&DT để tổ chức xét được.
Với học sinh có nhu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT, cũng phải được học đủ khối lượng kiến thức chương trình THPT, tham gia kỳ thi tốt nghiệp chung với học sinh THPT của cả nước để được cấp bằng.