Vụ hàng loạt flycam bị bắn hạ khi quay cảnh pháo hoa: Ai được phép sử dụng flycam?

Nhóm phóng viên,
Chia sẻ

Người chơi flycam cố tình tắt hệ thống định vị GPS để dễ dàng chụp ảnh ở nơi cấm bay.

Tình trạng người sử dụng các thiết bị bay không người lái (flycam, drone) gia tăng, thậm chí xâm phạm vào các vùng cấm bay, làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội. Lực lượng chức năng đã vào cuộc, siết chặt hoạt động này.

Liều mình để bay vào vùng cấm

Anh Đỗ Quang Thông, chủ một cửa hàng flycam trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết hiện nhu cầu sử dụng thiết bị chụp ảnh từ trên cao ngày càng nhiều, có thời điểm cửa hàng vừa nhập lô hàng gần 100 sản phẩm chỉ vài ngày đã bán hết.

Nhiếp ảnh gia Lê Quỳnh Thanh cho biết anh hiểu rõ các quy định cấm bay nêu tại Nghị định 36 của Chính phủ tuy nhiên thủ tục xin cấp phép gặp nhiều khó khăn đã hạn chế công việc chụp ảnh.

"Muốn có bức ảnh đẹp thì phải dựa vào khoảnh khắc. Trong khi quy định xin phép bay nêu rõ, vị trí bay, khung thời gian bay và mục đích. Như vậy, mỗi giấy phép chỉ có thể sử dụng đúng 1 lần bay" - anh Thanh nói.

Theo anh Thanh hiện người chơi flycam đành liều mình cho bay ở khu vực dân cư và tắt hệ thống định vị GPS để dễ dàng chụp ảnh ở nơi cấm bay. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt khi rơi rớt cánh quạt dễ gây sát thương cho người bên dưới.

Rạng sáng 1-1, hàng chục thiết bị flycam trong quá trình điều khiển để ghi hình tại khu vực quận 2 và quận Bình Thạnh (TP HCM) đều bị mất sóng với bộ điều khiển. Một vài thiết bị không thể định vị về nơi xuất phát và rơi xuống đất.

Trong nhiều hội nhóm về flycam trên Facebook cũng liên tục xuất hiện những chia sẻ về các tình huống mất flycam khi bay để quay cảnh bắn pháo hoa tại TP HCM. Anh Nguyễn Quang Thanh (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết:

"Khi tôi điều khiển flycam bay được 15m để chụp ảnh bắn pháo hoa thì bị mất quyền điều khiển thiết bị, flycam chỉ bay vòng vòng dù tôi cố gắng điều khiển flycam trở lại vị trí cũ, một lúc sau thì flycam rơi mất".

Vụ hàng loạt flycam bị bắn hạ khi quay cảnh pháo hoa: Ai được phép sử dụng flycam? - Ảnh 1.

Thiết bị áp chế máy bay không người lái, có tên gọi là CA-18, được dùng để áp chế flycam trong đêm TP HCM bắn pháo hoa mừng năm mới 2020Ảnh: Hoàng Triều.

Theo tìm hiểu, Bộ Tư lệnh TP HCM đã bố trí tổ công tác tại Bến Bạch Đằng (quận 1) sử dụng thiết bị áp chế máy bay không người lái CA-18 (do Học viện Kỹ thuật Quân sự chế tạo) để ngăn chặn các hoạt động của flycam nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động bắn pháo hoa chào năm mới và người dân.

Các thiết bị sẽ bị giảm khả năng bay vào vùng cấm bay sau đó áp chế hạ xuống khu vực đã định vị sẵn. Qua kiểm tra ứng dụng định vị vùng cấm bay (Drone Buddy), tất cả các quận ở trung tâm TP HCM đều thuộc khu vực cấm sử dụng flycam để bảo đảm đường bay lên xuống từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở - ngành và UBND các quận - huyện tổ chức thực hiện nghiêm quy định về quản lý thiết bị máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khi đã được cấp phép.

Phải xin phép bay trước 1 tuần

Tại điều 14 Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, mà flycam là đối tượng nằm trong nghị định có nghiêm cấm các hành vi: Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép, tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên máy bay hoặc phương tiện bay. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP HCM, chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày dự kiến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Cá nhân, tổ chức được cấp phép bay chỉ có thể tổ chức thực hiện bay trong khu vực, đúng mục đích, thời gian và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thông báo hiệp đồng bay trong nội dung phép bay.

Theo điều 5, 6, Nghị định 36/2008/NĐ-CP, cá nhân có thể bị phạt đến 60 triệu đồng; từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời tịch thu thiết bị khi vi phạm các quy định về sử dụng flycam tại Việt Nam. Đối với cá nhân vi phạm không làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức bay sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng, đồng thời tịch thu phương tiện.

Nhiều nước tăng cường quản lý drone

Tại Singapore, những người sở hữu thiết bị bay điều khiển từ xa nặng trên 250g phải đăng ký. Ngoài ra, hình phạt đã được tăng nặng đối với những sai phạm liên quan đến drone, như điều khiển nó bay phía trên khu vực cấm hoặc ghi hình nơi bị cấm. Cụ thể, drone bị cấm bay trong bán kính 5km từ sân bay hoặc căn cứ không quân và ở độ cao trên 61 mét nếu không được cấp phép. Người vi phạm lần đầu có thể bị phạt tiền tối đa 50.000 SGD (khoảng 860 triệu đồng) và đối mặt án tù 2 năm. Người tái phạm đối mặt mức tiền phạt tối đa là 100.000 SGD hoặc án tù cao nhất là 5 năm tù hoặc cả hai.

Nhà chức trách Anh yêu cầu người điều khiển drone phải vượt qua một kỳ thi về vấn đề sử dụng an toàn và hợp pháp thiết bị này trước khi được phép bay nó. Mọi thiết bị bay nặng trên 250g bắt buộc phải được đăng ký. Theo báo The Guardian, chính phủ Anh còn đang xem xét quy định cho phép cảnh sát có thêm quyền trong việc xử lý những sai phạm liên quan đến drone, như phạt tiền người vi phạm tại chỗ.

Tại Hà Lan, drone không được phép bay phía trên khu vực đông đúc, gần sân bay hoặc những khu vực bị cấm bay, bị cấm bay ở độ cao trên 120m, vào ban đêm, không được phép xâm phạm sự riêng tư của người khác, như: bí mật quay phim, chụp hình họ… Tại Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) đang siết chặt quản lý việc sử dụng drone như người sử dụng phải đăng ký drone với FAA và thiết bị này không được nặng quá 25kg, không được phép để drone bay gần máy bay hoặc khu vực đang diễn ra nỗ lực ứng phó khẩn cấp.

Ph.Võ

Chia sẻ