Vụ đánh ghen, lột quần áo ở Cần Thơ: Người vợ đối mặt 3 tội danh, mức án theo quy định thế nào?

Hạ Vũ (T/H),
Chia sẻ

Việc công an khởi tố vụ án đánh ghen tại Cần Thơ là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi gặp tình huống tương tự cần bình tĩnh xử lý để tránh vướng vào vòng lao lý.

Vụ việc một nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ bị vợ đồng nghiệp hành hung, lột quần áo đánh ghen đã gây xôn xao dư luận những giờ qua.

Theo thông tin mới nhất, Công an quận Ninh Kiều đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội làm nhục người khác, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, để điều tra làm rõ vụ việc.

Nạn nhân trong vụ việc là chị N.N.N. (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Hai nghi phạm trong vụ việc này là H.N.B.T (41 tuổi, ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) và N.T.N.Q (36 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều).

Sự việc hiện đang nhận được sự quan tâm từ nhiều người. Một số người cho rằng đã quá nhiều vụ việc đánh ghen xảy ra mà người bị khởi tố lại là người vợ, do đó nếu gặp trường hợp nghi ngờ chồng có quan hệ ngoài luồng, bất chính hãy bình tĩnh xử lý để tránh vướng vòng lao lý.

Bên cạnh đó nhiều người cũng thắc mắc, nếu bị khởi tố với 3 tội danh trên, người vợ sẽ đối diện với mức án nào?

Vụ đánh ghen, lột quần áo ở Cần Thơ: Người vợ đối mặt 3 tội danh, mức án theo quy định thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh được cắt từ clip.

Khởi tố 3 tội danh

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân được cho là xuất phát từ ghen tuông chuyện tình cảm. Tại cơ quan công an, bước đầu làm việc, bà T. và em gái đã thừa nhận hành vi của mình. Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự để điều tra những người này về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và làm nhục người khác là có căn cứ.

Pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc gây ra thương tích cho nạn nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vụ đánh ghen, lột quần áo ở Cần Thơ: Người vợ đối mặt 3 tội danh, mức án theo quy định thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh được cắt từ clip.

Trong vụ việc này, hành vi đánh người của nhóm người bà T. được thực hiện ngay tại khu vực nơi có nhiều người qua lại, không chỉ hưởng xấu đến an ninh trật tự mà còn gây thương tích cho người khác. 

Cùng với kết quả xác minh ban đầu từ phía cơ quan chức năng, lời khai của nạn nhân, lời khai của những người làm chứng, việc cơ quan điều tra khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự là có căn cứ và cần thiết.

Cụ thể, Điều 318, Bộ luật Hình sự quy định Tội gây rối trật tự công cộng: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thứ 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, dùng hung khí… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Đặc biệt, hành vi của bà T. không chỉ gây ảnh hưởng trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến sức khỏe của nạn nhân. Bởi vậy trường hợp kết quả nạn nhân có thương tích dù dưới 11% cũng sẽ xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, trong vụ việc này, nhóm người bà T. không chỉ thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích mà còn có hành vi lột quần áo nạn nhân để người khác ghi hình đăng lên mạng xã hội, đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác, nên việc cơ quan điều tra cũng đã khởi tố về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

Nhưng điều quan trọng để có căn cứ xử lý hình sự về những tội này, chị N. phải có đơn yêu cầu xử lý đến cơ quan công an và tiến hành giám định sức khỏe, thu thập chứng cứ trong vụ việc.

Cuối cùng, đối với những người đứng bên ngoài cổ vũ, quay clip phát tán trên mạng xã hội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm tùy theo mức độ. Nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, tác động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác.

Nặng thì có thể bị truy tố về tội làm nhục người khác như đã nêu trên.

Chia sẻ