Vụ chùa Bồ Đề: Hé lộ kênh cung cấp giấy chứng sinh khống
Để hợp thức hóa những đứa con nuôi bất hợp pháp, đối tượng Nguyệt đã tìm cách móc nối với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn, đang công tác tại các bệnh viện phụ sản và trạm xá xã để mua giấy chứng sinh khống.
Một người 2 chồng và 7 con
Đến thời điểm ngày 12/8, CQĐT đã làm rõ được 1 trường hợp là bé Cù Nguyên Công, bị bán khỏi chùa Bồ Đề. Đáng tiếc là rất có thể bé Công đã chết qua lời khai của đối tượng Nguyệt.
Chúng tôi tiếp tục lần theo manh mối về “đường đi” của những đứa trẻ được Nguyệt khai là “xin” về nuôi, thấy có đầy những dấu hiệu bất minh. Nguyệt sống ở bất cứ nơi nào, thậm chí với gia đình nhà chồng, cũng khai gian về tên, tuổi và thân thế gia đình để tung hỏa mù đối với những người xung quanh.
CQĐT đang làm rõ nhiều tình tiết bất minh, liên quan đến đời tư của đối tượng Nguyệt. Nhiều năm nay, Nguyệt sống như vợ chồng với hai người đàn ông tên là Hữu và Vũ. Cả hai người đàn ông này đều làm nghề lái taxi, thuê nhà ở trên địa bàn quận Hoàng Mai. Đến khi Nguyệt bị bắt, cả hai người đàn ông đều khăng khăng nhận Nguyệt là vợ mình. Một người tên Hữu, ra sức nhờ CQĐT làm rõ về đứa con trai ruột của anh, do Nguyệt sinh ra tại Thái Lan hơn chục năm nay vẫn “quên” mang về trình diện.
Người đàn ông tên Vũ thì nhờ CQĐT can thiệp để đòi lại 40 triệu đồng mà trước đó Nguyệt đã lừa anh. Nguyệt thực chất sinh năm 1970, nhưng không rõ mục đích gì mà cô ta sửa năm sinh của mình thành 1979 để đi làm giấy chứng minh thư nhân dân cùng năm sinh với em gái mình. Cho đến lúc này, dấu hỏi lớn về Nguyệt đó là việc cô ta sở hữu giấy tờ “xin cho” viết tay của 5 đứa con nuôi, trong khi bản thân Nguyệt có hai đứa con gái ruột đã lớn đang thuê nhà trọ tại Hà Nội, nhưng cả hai người chồng mới đều không hay biết.
Anh Hữu - một trong 2 người chồng của Nguyệt nói với chúng tôi: “Nguyệt sang Thái Lan, mang theo bụng bầu một đứa con trai với tôi vào năm 2001. Sau khi sinh con bên đó được một thời gian thì Nguyệt về nước, nói với tôi là gửi lại đứa con bên đó đến tận bây giờ tôi vẫn không biết con mình đâu? Lần nào tôi hỏi, Nguyệt cũng hứa sẽ mang con về, nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín”.
Đường đi của giấy chứng sinh khống
Tại căn nhà trọ, cơ quan Công an thu giữ rất nhiều giấy chứng sinh và các loại giấy tờ liên quan đến trẻ em. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những tờ giấy chứng sinh đề tên mẹ là Phạm Thị Nguyệt, thể hiện việc Nguyệt đẻ sinh đôi hai cháu trai được Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình cấp và giấy chứng sinh cho hai cháu bé Gia Hân, Đức Anh được Trạm Y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cấp.
Những tờ giấy chứng sinh này, Nguyệt cho biết đã mua bằng tiền. Ban đầu Nguyệt nói: “Các anh chị bác sĩ trong bệnh viện thấy em không sinh nở được nên thương, làm phúc cấp giấy chứng sinh cho em để đủ thủ tục đi khai sinh là mẹ của các cháu”. Nhưng sau đó chúng tôi hỏi, mất bao nhiêu tiền để mua các giấy chứng sinh nói trên, Nguyệt lạnh lùng: “Không đáng bao nhiêu”.
Ngày 12/8, tìm đến Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Quang Cảnh - Phó giám đốc bệnh viện. Ông Cảnh khẳng định: Quy trình cấp giấy chứng sinh tại bệnh viện rất chặt chẽ. Sau khi sản phụ sinh con, nữ hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ sẽ viết giấy chứng sinh, giấy chứng sinh sẽ được kẹp vào hồ sơ nhập viện, có đánh số. Toàn bộ hồ sơ này được chuyển lên đại diện Ban giám đốc để ký.
Vì thế, ông Cảnh vô cùng ngạc nhiên khi biết Nguyệt đã “mua” được 2 giấy chứng sinh thể hiện người mẹ là Phạm Thị Nguyệt, sinh năm 1979, quê ở xã Hòa Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã sinh con lần thứ 3, cho ra đời 2 cháu trai vào ngày 10/9/2013 tại khoa Sản, bệnh viện. Người đỡ đẻ chính là điều dưỡng viên Tú Anh, Thủ trưởng cơ sở y tế ký tên trên giấy chứng sinh này là Bác sĩ Phạm Văn Dậu, Phó giám đốc bệnh viện, số bệnh án là 43899.
Tra soát tất cả các hồ sơ và thông tin trên giấy chứng sinh số 43899 tại sổ ra vào viện của khoa Sản, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện để rút hồ sơ bệnh án trong năm 2012, không có bệnh án nào trùng khớp các thông tin trên giấy chứng sinh số 43899 mang tên người mẹ là Phạm Thị Nguyệt có địa chỉ như trên.
Bác sĩ Phạm Ngọc Hà - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện, khẳng định: Trước khi cấp giấy chứng sinh, khoa Sản kiểm tra bệnh án, giấy ra viện có nội dung trùng khớp về tên tuổi, địa chỉ của sản phụ và số bệnh án thì mới cấp giấy chứng sinh. Trường hợp xin cấp lại, gia đình sản phụ phải có đơn được sự xác nhận của chính quyền nơi cư trú hoặc lãnh đạo đơn vị. Lãnh đạo khoa Sản sẽ kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của sản phụ, nếu thấy khớp mới cấp lại giấy chứng sinh.
Bà Đặng Thị Cúc, phụ trách khoa Sản bổ sung: Trường hợp nghi ngờ, phải rút hồ sơ bệnh án, yêu cầu sản phụ photo chứng minh thư, hộ khẩu để lưu lại và giấy chứng sinh được quản lý ở khoa.
Chúng tôi đã đề nghị bệnh viện cung cấp thông tin của các sản phụ mang song thai và sinh con tại khoa Sản - Nhi trong thời gian trước, sau thời điểm ghi trên giấy chứng sinh của Nguyệt và nhận được kết quả, vào ngày 26/9/2012, sản phụ Phạm Thị Lam, SN 1973, trú tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cũng vào khoa Sản - Nhi sinh con. Chị Lam mang song thai và đã sinh hai con trai nặng 2,8 và 2,6kg và cũng là trường hợp sinh con lần thứ 3, người trực tiếp đỡ đẻ cũng là điều dưỡng viên trưởng Tú Anh.
Bà Tú Anh - điều dưỡng viên trưởng, người trực tiếp ký với tư cách là người đỡ đẻ trong 2 giấy chứng sinh mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà Nguyệt, trần tình: “Đúng là chữ viết, chữ ký của tôi trên giấy chứng sinh thật, nhưng lâu quá rồi, tôi không nhớ vì sao tôi lại viết và ký vào hai giấy chứng sinh này”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Tính từ thời điểm ký giấy chứng sinh đến nay chưa quá 3 năm, quãng thời gian không dài, lại là ca song sinh, vì vậy sẽ có khá nhiều ấn tượng khó có thể quên được”, thì bà Tú Anh nói: “Thường thường, những người quen trong bệnh viện hay trong khoa “nhờ” viết giấy chứng sinh thì tin tưởng viết ngay mà không kiểm tra lại hồ sơ. Nhiều khả năng trường hợp này cũng có người quen nhờ nên tôi mới viết nhưng giờ không nhớ là ai nhờ”.
Giấy chứng sinh là giấy tờ cực kỳ quan trọng, chứng minh sự ra đời của một con người, và căn cứ vào đó mới làm được khai sinh. Nếu chỉ “nhờ” cũng được cấp giấy chứng sinh thì đây thực sự là thiên đường cho bọn buôn bán trẻ em. Chúng chỉ cần gom trẻ em, sau đó đến bệnh viện nhờ làm giấy chứng sinh, vậy là kẻ buôn người sẽ trở thành người mẹ được pháp luật công nhận.
Chúng tôi đặt giả thiết, có khả năng khi biết chị Lam nhập viện và sinh đôi, có người trong bệnh viện đã báo cho Nguyệt (thời điểm này Nguyệt đã gom được 2 cháu bé) để Nguyệt đến “mua” giấy chứng sinh, biến 2 cháu bé này thành con đẻ của mình.
Để chứng minh mình không “bán” giấy chứng sinh, bà Tú Anh nói: “Vài hôm trước, vợ chồng tôi đã xuống nhà chị Lam và thấy hai cháu đang sống rất khỏe mạnh với bố mẹ”. Bà Tú Anh cho biết thêm, khi ra viện, chị Lam đã nhờ một người tên Tuyết đang công tác ở bệnh viện này nộp viện phí và lấy giấy chứng sinh ở Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình. Khi chúng tôi hỏi, tên thật của Tuyết thì bà Tú Anh lấp lửng, giống như đây là một đầu mối quan trọng và bí hiểm.
Ngày 12/8, tìm đến nhà chị Lam, chúng tôi được biết; “Nhà em đông con, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có tiền đóng viện phí ngay. Sau khi xuất viện mới lo đủ tiền nên mới nhờ đứa cháu họ ở cùng xóm tên là Tuyết nộp viện phí và lấy giấy chứng sinh hộ”. Tại nhà chị Tuyết, chúng tôi được cung cấp: “Tôi làm ở khoa Xét nghiệm Bệnh viện Sản - Nhi, chẳng biết ai tên Nguyệt và Tú Anh cả. Thấy thím (tức chị Lam) nhờ thì làm thủ tục thanh toán bình thường thôi”.
Chị Lam khẳng định, trước thời điểm tiếp xúc với chúng tôi vài ngày, bà Tú Anh đã tìm đến nhà chị Lam, theo đó, bà Tú Anh đã biết chắc chắn về mối quan hệ thím - cháu giữa Tuyết và chị Lam, đồng thời biết, nhà chị Lam và nhà Tuyết ở gần nhau… nhưng khi làm việc với chúng tôi, bà Tú Anh cố tình cung cấp số máy của một người tên Tuyết ở cách nhà chị Lam 10km và chẳng có liên quan gì đến chị Lam, nhằm đánh lạc hướng điều tra.
Quá trình làm việc tại Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, chúng tôi phát hiện ra một sự thật đáng lo ngại: Ngày 24/10/2012, Bộ Y tế yêu cầu phải dùng mẫu chứng sinh mới, tuy nhiên, hết năm 2013, Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình vẫn dùng mẫu chứng sinh cũ. Điều này được bà Cúc giải thích rất ngộ: “Mua giấy chứng sinh ở Sở Tư pháp đắt quá nên chúng tôi xin mẫu và tự photo. Chỉ đến khi có người yêu cầu phải có mẫu mới, chúng tôi mới biết Bộ Y tế không cho phép dùng mẫu cũ”.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, Phạm Thị Nguyệt đã mua giấy chứng sinh với giá 10 triệu đồng, nhưng chị ta mua của ai và mua ở đâu thì cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ. Nhưng Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình không phải là nơi duy nhất cấp giấy chứng sinh cho Nguyệt. Một số giấy chứng sinh đã được cấp khống từ Trạm Y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hé lộ một đường dây cung cấp hàng loạt giấy chứng sinh khống…