Vụ chạy thận khiến 9 người chết tại Hòa Bình: Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Chiều 29/5, kết thúc ngày thứ 11 xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án để làm rõ 2 tình tiết mới xuất hiện trong các phiên xử.

Theo đó, đại diện VKS cho rằng, sự khác nhau trong 2 văn bản của Bộ Y tế gồm Công văn 4342 ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và Công văn số 2322 ngày 27/4/2018 gửi Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), VKS xác định hai công văn này có mâu thuẫn về nội dung đã dẫn đến hiểu nhầm nghiêm trọng cho Viện kiểm sát, và đến bây giờ, sau khi phát hiện ra sự khác nhau giữa 2 văn bản, VKS mới biết là mình đã hiểu nhầm!

Vụ chạy thận khiến 9 người chết tại Hòa Bình: Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung - Ảnh 1.

Đại diện VKS đang đọc đề nghị trả lại hồ sơ vụ án

Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của việc gây hiểu nhầm này.

Về việc này, luật sư Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) cho rằng việc viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung là có căn cứ và cần thiết.

Cũng trong phiên xử chiều nay, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) đã trả lời các thắc mắc liên quan đến tiêu chuẩn AAMI.

Ông Quang cho hay, kỹ thuật lọc máu và tiêu chuẩn nước RO dùng trong chạy thận nhân tạo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ văn bản quy định về quy chuẩn.

Vụ chạy thận khiến 9 người chết tại Hòa Bình: Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung - Ảnh 2.

ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế)

Theo ông Quang, bộ tiêu chuẩn AAMI ra đời từ những năm 70 và liên tục được cập nhật các chỉ số. Tiêu chuẩn này do Hiệp hội trang thiết bị Hoa Kỳ đề ra, rất tiên tiến và được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Về câu hỏi CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Y tế, đề nghị giải đáp việc sau khi sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc thận có cần phải xét nghiệm nước và phải xem xét có tồn dư hóa chất tẩy rửa hay không?

Đại diện Bộ Y tế khẳng định tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn AAMI trên cơ sở tự nguyện. Bộ Y tế chỉ khuyến cáo xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI (gồm 25 tiêu chí). Nếu hợp đồng giữa các bên có điều khoản xét nghiệm nước thì bắt buộc phải thực hiện theo hợp đồng.

Vụ chạy thận khiến 9 người chết tại Hòa Bình: Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung - Ảnh 3.

Kế thúc phiên xét xử vụ án, VKS đề nghị trả lại hồ sơ để bổ sung

Ông Quang giải thích thêm, bản chất của AAMI là tuân theo tiêu chuẩn của Việt Nam, tiêu chuẩn này là tự nguyện. Còn lại, các trường hợp cụ thể phải tuân theo hợp đồng ký giữa các đối tác.

"Tuy nhiên, theo tôi, cách hiểu chuẩn nhất là sau mỗi lần sửa chữa, bắt buộc phải xét nghiệm tồn tư hóa chất trong máy lọc, còn các xét nghiệm khác chỉ là khuyến cáo, không bắt buộc", ông Quang nói.


Chia sẻ