Vụ "cha đánh con nát tay bắt đi bán vé số" ở TP.HCM: Nếu sự việc là thật, người cha có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Minh Khôi,
Chia sẻ

Theo luật sư Cường, trường hợp giám định người con có thương tích thì cha mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017) với nhiều tình tiết định khung tăng nặng.

Liên quan đến vụ việc người cha đánh nát tay con, bắt đi bán vé số xảy ra tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM), ngày 5/5 mới đây, Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, yêu cầu Thành ủy, UBND TP.HCM xác minh và xử lý vụ việc một trẻ em ở huyện Hóc Môn bị cha đánh nát tay được báo chí nêu.

Vụ "cha đánh con nát tay bắt đi bán vé số" ở TP.HCM: Người cha có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Bàn tay bé H.A đầy máu được chia sẻ trên mạng xã hội

Về việc này, Chủ tịch nước yêu cầu Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh thông tin báo nêu; xử lý nghiêm, kịp thời hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đảm bảo đầy đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Dư luận trong nước cũng bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi dã man của người bố. Nhiều người đề nghị cơ quan chức năng và các cơ quan bảo vệ trẻ em cần vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và xử lý hành vi của người bố.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, nếu vụ việc được phản ánh là thật thì đây là vụ việc rất thương tâm, xót xa cho cháu bé bao nhiêu thì lại phẫn nộ với người làm cha bấy nhiêu. Hành vi bố hành hạ, đánh đập con cái không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật bởi trẻ em là đối tượng mỏng manh, dễ bị tổn thương và không thể tự bảo vệ mình. 

Vụ "cha đánh con nát tay bắt đi bán vé số" ở TP.HCM: Người cha có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 2.

Hình ảnh bé A. bị bố đánh

Tuy nhiên những thông tin được phản ánh cũng mới chỉ là những thông tin ban đầu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ phải xác minh, làm rõ thông tin, sự việc (có hay không người cha đánh con nát tay chảy máu, có hay không ép buộc cháu bé đi bán vé số; nếu có thì làm rõ nguyên nhân, hành vi, hậu quả đối với cháu bé…) thì mới có kết luận cuối cùng và có căn cứ xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường phân tích: "Dưới góc độ pháp luật, Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái là yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con. 

Ngoài ra, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình. 

Điều 6 Luật trẻ em 2016 cũng quy định nghiêm cấm hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em. Như vậy có thể thấy, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ … con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn quan điểm con cái hư bố mẹ có quyền đánh, đánh con là yêu thương, quan tâm, dạy dỗ con. Nhưng thực tế việc đánh con, dạy con bằng biện pháp bạo lực là một hình thức phản giáo dục, thể hiện sự bất lực của cha mẹ. Hành vi đánh người bất kể là ai đều là hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm, do đó tùy vào mức độ, tính chất hành vi mà cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Vụ "cha đánh con nát tay bắt đi bán vé số" ở TP.HCM: Người cha có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 4.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Cường cũng cho biết thêm, theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì một người sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, gây tổn thương về mặt tinh thần, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần. 

Ngoài ra, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng có quy định sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. 

Nếu sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối thì bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. 

Vụ "cha đánh con nát tay bắt đi bán vé số" ở TP.HCM: Người cha có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 5.

Hình ảnh cha đánh con nát tay lan truyền trên mạng xã hội.

Trường hợp cha mẹ đánh đập con cái mà gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây: Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam. 

Ngoài ra, nếu vì bị ngược đãi thường xuyên bị đối xử tàn ác làm người đó tự sát thì có thể bị xử lý về tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự với mức phạt tù cao nhất có thể là 12 năm tù.

Trường hợp giám định người con có thương tích thì cha mẹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017) với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như phạm tội với người dưới 16 tuổi; phạm tội với người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ;...

Luật sư Cường cho rằng, hình phạt cụ thể đối với tội danh sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương tâm lý và sức khỏe của nạn nhân và các tình tiết, chứng cứ khác mà cơ quan tố tụng thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án. 

 Như vậy, theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc cha đánh con được báo chí phản ánh trên thì trước hết các cơ quan liên quan cần khẩn trương vào cuộc, xác minh thông tin trên báo chí và người dân phản ánh; nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm, kịp thời hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đảm bảo đầy đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Trước đó, theo bài đăng trên mạng xã hội, sự việc cha bạo hành con bắt đi bán vé số xảy ra tại xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM do một người dân ở gần bức xúc ghi lại được. Sau 1 ngày, sáng 5/5, UBND xã Thới Tam Thôn đã họp khẩn, xác minh sự việc.

Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào 0 giờ 15 phút ngày 2/5. Sau khi đi nhậu về, ông T.H.L. (37 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) thấy con trai V.T.H.A (11 tuổi) đi chơi internet về nên đã cầm cây tre phơi đồ để đánh cháu A. khiến bé bị chảy máu ở bàn tay.

Thấy bé A. khóc, người dân đã báo công an xã đến xử lý. Ông L. khai nhận do bé H.A không lo học, trốn đi chơi internet và trộm tiền của mình nên đã đánh đập bé. Nhưng công an xã cho ông L. về vì chưa ghi được lời khai của bị hại và chưa thu thập được clip ông L. bạo hành con.

Sau đó, ngày 2/5, công an xã mời vợ chồng ông L. lên trụ sở làm việc thì gia đình ông đã bỏ đi khỏi nhà trọ. Đến 21 giờ ngày 4/5, công an xã mới tìm thấy bé H.A tại nhà bà nội của bé.

Đáng chú ý, theo lời chia sẻ của người thân (cụ thể là bà và mẹ cháu A.) thì ở nhà A. là cậu bé rất ngỗ ngược, mê game, thậm chí từng đánh lại mẹ.

A. là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em.



Chia sẻ