Vụ cắt que thử viêm gan B, HIV tại BV Xanh Pôn: Cắt chia đôi hoàn toàn thì giá trị kết quả như nhau?

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Chia sẻ trước thông tin hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi khi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) khiến dư luận phẫn nộ, theo bác sĩ, nếu cắt chia đôi hoàn toàn que thử thì giá trị kết quả như que còn nguyên. Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết.

Cắt chia đôi hoàn toàn thì kết quả xét nghiệm như que còn nguyên?

Cụ thể, bác sĩ L.T.L., làm việc tại một Trung tâm y tế công lập ở TP.HCM chia sẻ, bên trong que thử nhanh HIV, viêm gan B thường là một miếng tẩm hóa chất. Về lý thuyết, nếu cắt chia đôi hoàn toàn thì giá trị kết quả như nhau, tức như que còn nguyên. 

Mẫu xét nghiệm sẽ được nhỏ lên vùng mẫu thử. Huyết thanh/huyết tương thấm qua vùng có chứa cộng hợp là kháng nguyên đã gắn với chất đánh đấu màu và di chuyển đến vùng phản ứng cố định kháng nguyên. Do phản ứng sự di chuyển các chất theo chiều dọc của test nên khi cắt 1 nửa thì phản ứng và sự di chuyển không khác biệt.

Tuy nhiên ngoài việc không rõ nhân viên y tế cắt thế nào khiến kết quả có thể thay đổi hay không thì chắc chắn cách làm này không an toàn.

Bởi phần seal (khoá niêm phong) của que thử bị phá vỡ nên máu dịch tiết dễ bị tràn ra, tạo nên nguy cơ lây lan dịch bệnh.

"Que thử nếu cắt dùng ngay và đúng là cắt đôi thì giá trị vẫn bình thường. Nhưng để lâu thì hóa chất bên trong có thể bị biến đổi, dẫn đến kết quả sai lệch" - bác sĩ phân tích.

Vụ cắt que thử viêm gan B, HIV tại BV Xanh Pôn: "Cắt chia đôi hoàn toàn thì giá trị kết quả như nhau"? - Ảnh 1.

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Cũng theo bác sĩ, thông thường quy trình xét nghiệm HIV thường được thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau khi nhân viên tư vấn và bệnh nhân đồng ý xét nghiệm kiểm tra, việc lấy máu và nhỏ vào test thử tại chỗ sẽ được thực hiện trước mặt bệnh nhân, có 2 nhân viên y tế làm chứng.

Cử nhân xét nghiệm và bác sĩ chỉ định sẽ cùng ký tên vào kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân cũng ký vào sau khi nhận kết quả xét nghiệm.

Đưa 4 mẫu chung vào 1 ống nghiệm để làm gì?

Về thông tin việc nhân viên y tế khoa Vi sinh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) trộn 4 mẫu máu vào 1 ống nghiệm rồi đưa vào cùng giếng chứa hoá chất trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA), bác sĩ cho rằng cách làm này không mới, thậm chí là "rất bình thường" trong xét nghiệm.

Với "phương pháp" này, kỹ thuật viên sẽ đưa 4 mẫu chung vào 1 ống nghiệm với cùng 1 lượng hoá chất.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải thử lại 4 mẫu. Ngược lại, ra âm tính thì trả kết quả cho tất cả bệnh nhân. Như vậy lượng hoá chất sử dụng sẽ dư 3/4 so với test lần lượt từng người.

Cứ như vậy, dù 4 mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính và 4 mẫu khác ra âm (tỉ lệ 1/1) thì sau khi xét nghiệm lại vẫn dư được 50% lượng hoá chất cần dùng như quy trình chuẩn.

"Tỉ lệ người nhiễm HIV chắc chắn sẽ không cao. Do đó cách làm này có thể xem là gian lận hoá chất, vật tư y tế" - bác sĩ khẳng định.

Theo bác sĩ, thời gian thực hiện xét nghiệm ELISA kéo dài 2-3 giờ và chỉ thích hợp với những nơi có số lượng mẫu > 40 mẫu/ngày.

Vụ cắt que thử viêm gan B, HIV tại BV Xanh Pôn: "Cắt chia đôi hoàn toàn thì giá trị kết quả như nhau"? - Ảnh 2.

Xét nghiệm máu tại bệnh viện công lập ở TP.HCM.

Xét nghiệm này cho phép thực hiện đồng thời nhiều mẫu. Có thể dùng máy tự động giảm bớt thao tác cho người làm xét nghiệm, tránh sai sót và lây nhiễm.

Tuy nhiên, cần có sự đầu tư cho trang thiết bị ban đầu và bảo dưỡng, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh máy móc. Đối với các máy miễn dịch tự động chỉ sử dụng được với sinh phẩm sử dụng đồng bộ với máy.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/12, UBND TP Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi khi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) mà báo chí phản ánh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm điểm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật, báo cáo Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 15/12/2019.

Chia sẻ