Vụ cán bộ ngân hàng bị tố lừa khách mở thẻ rồi chiếm đoạt 1 tỷ đồng: Ai phải chịu trách nhiệm?

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền chuyên nghiệp, hưởng lợi từ huy động tiền gửi và cho vay, vậy bảo toàn tiền gửi là trách nhiệm của ngân hàng.

Liên quan đến vụ việc "Cán bộ ngân hàng bị tố lừa khách mở thẻ rồi chiếm đoạt 1 tỷ đồng" của khách hàng VPBank (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng) ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) sau 3 tháng vẫn chưa được giải quyết, dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Vụ cán bộ ngân hàng bị tố lừa khách mở thẻ rồi chiếm đoạt 1 tỷ đồng: Ai phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Theo luật sư Bình, nhân viên ngân hàng là người lao động tại ngân hàng, có thể nói là người thuộc pháp nhân. Tuy người gây thiệt hại không phải là ngân hàng nhưng pháp luật quy định cho ngân hàng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, do đó hoàn toàn có thể yêu cầu ngân hàng đòi bồi thường thiệt hại, nếu ngân hàng không thực hiện có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền.

Luật sư Bình phân tích: Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Pháp luật quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại khi thành viên của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm xác định trách nhiệm quản lí của con người, theo dõi công việc đối với thành viên thuộc pháp nhân đó.

Vụ cán bộ ngân hàng bị tố lừa khách mở thẻ rồi chiếm đoạt 1 tỷ đồng: Ai phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Giấy cam kết của nhân viên sau khi sự việc được phát hiện

Ngoài ra, quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp thành viên của pháp nhân có lỗi khi gây thiệt hại thì pháp nhân có quyền yêu cầu thành viên này phải hoàn trả.

Do đó, pháp luật quy định nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích thêm; Ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền chuyên nghiệp, hưởng lợi từ huy động tiền gửi và cho vay, vậy bảo toàn tiền gửi là trách nhiệm của ngân hàng.

Nguyên tắc xuyên suốt của pháp luật dân sự cũng như pháp luật hợp đồng, đó là, khi giao dịch với ngân hàng nếu tổn thất, thiệt hại xảy ra mà không phải do lỗi của khách thì chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên phải là ngân hàng cho dù là lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng, hay kẻ gian ngoài ngân hàng.

Tiếp đó, căn cứ vào bản án có hiệu lực của cơ quan tố tụng mà người làm công do ngân hàng hoặc kẻ gian đó phải bồi hoàn cho ngân hàng.

"Qua một số sự việc khách hàng bị mất tiền gửi cho thấy, ngân hàng đã cố tình lờ đi nguyên tắc giản đơn và hợp đạo lý này khi “câu giờ” mà không giải quyết cho khách". Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ. 

Như đã đưa tin trước đó, ngày 9/7, trao đổi với chúng tôi, anh Lê Tuấn Anh (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, sự việc anh bị mất tiền tới nay đã 3 tháng nhưng phía ngân hàng vẫn chưa giải quyết.

Theo anh Tuấn Anh, sau thời gian hợp tác giữa Công ty của mình và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank có ký hợp đồng hợp tác để làm thẻ tín dụng cho nhân viên.

Ngày 31/3, Giám đốc Ngân hàng VPBank - Chi nhánh Đồng Tâm (Hai Bà Trưng), trực tiếp cùng cán bộ Nguyễn Thị Thúy Nga (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) tới làm thủ tục mở thẻ tín dụng cho nhân viên công ty anh Tuấn Anh theo sự thỏa thuận, liên kết giữa hai bên.

Sau đó, Nguyễn Thị Thúy Nga làm thủ tục định danh khách hàng ưu tiên, mở tài khoản số đẹp và yêu cầu sử dụng App ngân hàng trên điện thoại của anh Tuấn Anh.

Tuy nhiên khi thực hiện thao tác trên ứng dụng, Nguyễn Thị Thúy Nga đã tự ý chuyển 850 triệu đồng từ tài khoản của anh Tuấn Anh sang một tài khoản của ngân hàng khác.

Tiếp theo, ngày 6/4, Nguyễn Thị Thúy Nga tiếp tục tới công ty của anh Tuấn Anh cũng với mục đích như trên và tiếp tục sử dụng ứng dụng App trên điện thoại của anh này để chuyển 149 triệu đồng sang tài khoản khác.

"Ứng dụng VPbank tôi cài sẵn trong máy, khi đó Nga thao tác thế nào thì không thể biết", anh Tuấn Anh nói.

Theo anh Tuấn Anh, vào ngày 26/4, đại diện công ty của anh Tuấn Anh đã báo với ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank.

"Tại chi nhánh ngân hàng có mặt cả giám đốc, sau khi làm việc thì giám đốc tiếp nhận thông tin rồi nói rằng chuyển hồ sơ lên hội sở. Còn chị Nga có viết giấy thừa nhận đã tự ý chuyển 1 tỷ đồng của tôi sang tài khoản khác. Trong đơn cam kết, chị Nga có hẹn, sẽ trả lại số tiền 1 tỷ đồng vào ngày 27/4. Tuy nhiên, tới nay đã 3 tháng vẫn chưa giải quyết được gì", anh Tuấn Anh bức xúc.

Thông tin về vụ việc, anh Tuấn Anh cho hay, vụ việc sau đó đã được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra, đã 2 lần anh làm việc nhưng vẫn đang tiếp tục chờ đợi kết quả, còn phía ngân hàng không có bất kỳ sự hợp tác nào.

"Phía ngân hàng có vẻ đang đẩy sự việc này giữa các nhân (chị Nga) với cá nhân tôi phải tự giải quyết, tôi rất bức xúc vì 1 tỷ là tiền lương của công nhân, cứ phải đi vay chắp vá trả vào đó", khách hàng bức xúc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Chia sẻ