Vụ bị cáo tự tử tại tòa: Kháng nghị hủy án, bị cáo đã chết thì có lợi gì?
Theo quy định của pháp luật, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người này đã chết mà cần minh oan cho họ.
Đúng một tuần sau cái chết của bị cáo Lương Hữu Phước (55 tuổi, trú tại phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, Bình Phước), ngày 5/6, Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán xét xử giám đốc theo hướng hủy cả hai bản án của các cấp tòa của tỉnh Bình Phước.
Sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phước về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 (BLHS 2015). Mặc dù tại tòa, luật sư của bị cáo Phước đã chỉ ra nhiều điểm thiếu sót của vụ án. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã bác mọi quan điểm bào chữa của luật sư, tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với bị cáo Phước.
Cho rằng mình bị oan, khiếu nại nhiều nơi nhưng không được xem xét một cách thấu đáo, chiều cùng ngày bị cáo này đã đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước. Tại đây, bị cáo đã nhảy từ trên tầng hai của TAND tỉnh xuống đất dẫn đến tử vong.
Bình luận về vụ việc này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, không phải quyết định kháng nghị nào cũng được Ủy ban Thẩm phán chấp nhận.
Theo đó, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
"Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quy định tại khoản 1 Điều (382, BLTTHS 2015) nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án", luật sư Long phân tích.
Cũng theo luật sư Long, dù bị cáo Phước đã tử vong nhưng vì bản án có những thiếu sót, vi phạm và để minh oan cho người bị kết án thì việc Chánh án TAND cấp cao kháng nghị hủy án là cần thiết. Cụ thể, căn cứ khoản 2 (Điều 379, BLTTHS 2015) quy định:
"Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ".
Hiện trường bị cáo Phước tự tử (ảnh TL)
Liên quan đến vụ án này, kháng nghị đã chỉ ra nhiều vi phạm. Cụ thể, quyết định kháng nghị cho rằng cấp phúc thẩm và cấp sơ thẩm nhận định ông Phước không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Tại Bản án phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Bình Phước đã đặt ra rất nhiều nội dung cần điều tra lại để làm rõ, nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ những vấn đề được nêu trong bản án trên. Như vậy sau khi vụ án được điều tra lại, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn chưa xem xét đầy đủ đến tất cả các nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn làm ông Trần Hữu Quý tử vong.
Kháng nghị cho rằng những vấn đề nêu trên cần được điều tra lại mới có thể xác định được việc điều khiển xe của ông Lâm Tươi có vi phạm quy tắc giao thông hay không, đồng thời mới xác định được đầy đủ nguyên nhân trực tiếp và đánh giá được mức độ lỗi của từng bên đối với tai nạn xảy ra. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xét xử và quyết định về toàn bộ nội dung vụ án là chưa đủ căn cứ.
Từ đó, Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM nhận thấy cần phải hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vụ án.