Vụ bé gái khóc thét khi mẹ quay về đón sau 6 năm bỏ đi: Không nên ép buộc con trẻ đi theo cha hoặc mẹ
"Việc cha mẹ, ai nuôi con không quan trọng, quan trọng là ai có điều kiện tốt nhất cho con trẻ có thể phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần để không làm xáo trộn đến tuổi thơ và sự hình thành nhân cách của cháu", luật sư chia sẻ.
Tòa giao cho mẹ, con không chịu theo
Vừa qua, sau khi xuất hiện một số đoạn clip ghi lại hình ảnh bé gái nhỏ tuổi có hành động "từ chối" người mẹ đến đón sau khi tòa án xử quyền nuôi con thuộc về bố.
Sự việc diễn ta ngay tại trụ sở UBND xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong lúc cán bộ Chi cục Thi hành án huyện Triệu Sơn về phối hợp bàn giao cháu bé theo quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa cho chị Hảo, mẹ đẻ cháu bé, chính quyền xã chỉ có mặt để chứng giám.
Tuy nhiên, xót xa hơn hết đó là hành động của bé gái liên tục khóc thét đòi tránh xa người mẹ mà bám riết lấy người cha của mình.
Bé gái từ chối theo mẹ.
Trao đổi với PV, anh Lê Xuân Thanh (SN 1981, trú tại xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) – bố đẻ cháu Lê Thị D.H. (6 tuổi), người bố có mặt trong clip con gái gào khóc không cho mẹ chạm vào người cho biết, năm 2011 anh Thanh và chị Lê Thị Hảo (sinh năm 1979, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn) tự nguyện chung sống với nhau và sinh được bé D.H vào ngày 18/12/2011. Tuy nhiên, khi cháu H. được 13 tháng tuổi thì gia đình có mâu thuẫn nên chị Hảo về nhà ngoại sinh sống. Cũng kể từ đó, giữa cháu H. và mẹ gần như không được gặp nhau.
Theo anh Thanh, trước khi chung sống như vợ chồng với chị Hảo, giữa hai anh chị này đều đã có gia đình riêng. Vào tháng 6/2017, Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn xử cho bố cháu là anh Thanh được quyền nuôi con.
Tuy nhiên, người mẹ không chấp nhận, tiếp tục làm đơn lên TAND tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử quyết định người bố phải giao lại quyền nuôi con cho người mẹ là chị Hảo.
Luật sư Mai Bích Ngân.
Trước những diễn biến trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Mai Bích Ngân – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc độ pháp lý.
"Không nên ép con trẻ"
Theo luật sư Mai Bích Ngân, xét thấy, anh Thanh và chị Hảo đã có gia đình riêng, hai người về sống chung với nhau và có 1 bé H. như vậy, được hiểu là quan hệ nam nữ của anh chị này đã chung sống với nhau như vợ chồng. Do đó sẽ áp dụng quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 để giải quyết: "Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con".
Luật sư Ngân cũng cho rằng, đối chiếu với quy định pháp luật trên, việc giải quyết vấn đề nuôi con giữa anh Thanh và chị Hảo sẽ áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:" Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con".
Luật sư cho rằng người mẹ cần phải có thêm nhiều thời gian để làm quen với con.
Trong tình huống được viện dẫn, trước đó TAND huyện Triệu Sơn căn cứ vào các quy định pháp luật cũng như nguyện vọng và điều kiện thực tế của hai bên, đã quyết định giao cháu bé dưới 7 tuổi cho bố là anh Thanh chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng không đồng ý với phán quyết của toà án cấp sơ thẩm, chị Hà đã kháng cáo giành quyền nuôi con đến TAND tỉnh Thanh Hoá. Sau đó, TAND tỉnh Thanh Hoá quyết định cho chị Hảo được quyền nuôi con.
Theo luật sư Ngân, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay nên chị Hảo được quyền nuôi dưỡng cháu bé, cho dù anh Thanh và cháu bé có đồng ý hay không đi chăng nữa thì quyền nuôi con vẫn thuộc về chị Hảo.
Như vậy, quyền nuôi con của chị Hảo chỉ bị mất đi nếu như sau đó anh Thanh chứng minh được chị Hảo không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 luật HNGĐ 2014: "Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên".
Luật sư Ngân nhấn mạnh."Trường hợp anh Thanh chứng minh được chị Hảo không đủ điều kiện nuôi con, anh Thanh có quyền khởi kiện ra Toà án để thay đổi người trực tiếp nuôi con".
Người mẹ cần có thêm thời gian gần con hơn
Tuy nhiên, quá trình thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hoá, khi chị Hảo đến đón con về chăm sóc, nuôi dưỡng thì chính đứa con ruột của chị Hảo lại nằng nặc không muốn theo mẹ, không muốn được mẹ chăm sóc.
Nhận xét về hành động trên của cháu bé, luật sư Ngân cho rằng: "Như xát muối vào trái tim người mẹ, thử hỏi có người phụ nữ nào không đau lòng khi chính đứa con ruột do mình sinh ra lại không muốn theo mình, không muốn được bàn tay mình chăm sóc, nuôi dạy, lo toan cho con từ miếng ăn đến giấc ngủ".
Bà nói tiếp: "Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên phán xét, chỉ trích người phụ nữ, vì họ đã quá bất hạnh và khổ cực. Thử hỏi, còn nỗi đau khổ nào hơn khi con cái không theo mẹ? Có lẽ khoảng cách 6 năm đã khiến con trẻ xa cách mẹ, không cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mà chỉ quen với môi trường sống có bố bên cạnh nên cháu đã kiên quyết không theo mẹ, chỉ bám lấy bố khi thấy mẹ định đón mình.
Có thể, đây chính là mong muốn, nguyện vọng của cháu khi muốn được sống cùng bố, chúng ta không nên ép buộc cháu. Nếu chị Hảo cố tình đưa cháu về nuôi dưỡng, tách cháu ra khỏi bố ngay lúc này liệu có đảm bảo tính nhân văn, đảm bảo tâm sinh lý cho con trẻ hay không?".
Đến một thời điểm thích hợp cháu bé sẽ nhận thức được về bản thân.
Luật sư Ngân cũng đưa ra lời khuyên đối với người mẹ của cháu bé rằng; trong trường hợp này, chị Hảo cần có thêm thời gian để quan tâm, chăm sóc cháu bé, để cháu hiểu và yêu quý mẹ hơn. Đến một thời điểm thích hợp, cháu bé sẽ tự nguyện đi theo mẹ, để được mẹ vỗ về, chăm sóc.
Đồng thời, anh Thanh cũng cần tạo điều kiện cho chị Hảo được gần gũi con, đảm bảo quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của chị Hảo.
"Nhận thấy, việc cha mẹ, ai nuôi con không quan trọng, quan trọng là ai có điều kiện tốt nhất cho con trẻ có thể phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần để không làm xáo trộn đến tuổi thơ và sự hình thành nhân cách của cháu.
Thiết nghĩ, là những người bố, người mẹ, chúng ta đừng vì lòng ích kỷ cá nhân, vì cái tôi mà chia rẽ tình cảm giữa con cái với cha, với mẹ, đừng khiến con trẻ phải chịu đau khổ, bất hạnh khi tuổi đời còn quá nhỏ như vậy", vị luật sư chia sẻ.