Vụ bé gái 6 tuổi nghi bị hiếp dâm ở Bắc Giang: Thiếu niên hàng xóm 14 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Theo lý lịch hồ sơ tại địa phương, Phạm Anh T. (sinh ngày 15/10/2003) đến ngày phạm tội (31/8/2018) đã hơn 14 tuổi. Căn cứ theo điểm b khoản 2 điều 91 BLHS 2015 thì trường hợp này người phạm tội sẽ không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến vụ việc bé gái 6 tuổi, ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang nghi bị thiếu niên tên T. (hàng xóm) kéo vào buồng để xâm hại tình dục, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe (trưởng Vp Luật sư Interla – Đoàn luật sư Hà Nội).
Trong vụ việc này, bé gái mới 6 tuổi. Còn nghi phạm là cậu bé sinh ngày 15/10/2003 (tính đến ngày phạm tội – 31/8/2018, đối tượng chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đủ 15 tuổi).
Luật sư Trương Quốc Hòe
Luật sư Hòe cho rằng, trong trường hợp trên nếu bé trai đã đủ 14 tuổi và trong quá trình điều tra công an xác định được hành vi của người này đủ cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 BLHS thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về đó.
(Vì căn cứ theo điểm b khoản 2 điều 91 BLHS 2015 thì trường hợp này người phạm tội sẽ không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự).
"Căn cứ theo Điều 12 BLHS 2015 quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự quy định. Cụ thể; tại Điều 12, tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định 'Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác'.", ông Hòe phân tích.
Bé gái thuật lại hành vi của đối tượng
Luật sư phân tích thêm: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng …."
Trường hợp phạm tội nếu chưa đủ 14 tuổi
Ngoài ra, luật sư Hòe phân tích thêm về trường hợp người thực hiện hành vi chưa đủ 14 tuổi thì họ không phải chịu TNHS nhưng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, sau khi cơ quan công an xác minh được hành vi phạm tội.
Căn buồng nơi bé gái bị thiếu niên hàng xóm kéo vào thực hiện hành vi
Với trường hợp này, gia đình bị hại có thể yêu cầu gia đình người thực hiện hành vi bồi thường thiệt hại.
Cụ thể như sau:
Về chủ thể phải bồi thường: Theo quy định của BLDS thì do người phạm tội dưới 14 tuổi và là bị đơn dân sự nên cha mẹ của người này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại (nếu cha mẹ vẫn còn sống). Trường hợp tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà người thực hiện hành vi phạm tội có tài sản riêng thì lấy tài sản của người đó để bồi thường.
Về giá trị phải bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý cho việc chăm sóc bé trong thời gian điều trị và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Trước khi sang nhà nạn nhân, đối tượng tự mở cửa cổng đi vào
Luật sư Trương Quốc Hòe cũng đưa ra lời khuyên, gia đình nạn nhân có quyền gặp gỡ, trao đổi với gia đình người phạm tội về việc bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp hai gia đình không thương lượng được thì gia đình bị hại có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu gia đình kia bồi thường thiệt hại.
Để yêu cầu bồi thường được giải quyết thỏa đáng, gia đình bị hại cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ về việc điều trị, đi lại, chăm sóc cho bé để cung cấp cho tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc.
Nơi tiếp nhận sự việc ban đầu
Trước vấn đề nhiều quan tâm về thời hiệu của vụ viêc, luật sư chia sẻ: Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì trong vòng không quá 2 tháng kể từ ngày nhận được đơn tố cáo của công dân, cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) phải có trả lời bằng văn bản về việc có dấu hiệu của tội phạm hay không.
Mẹ xót xa nhớ lại lúc phát hiện con gái có dấu hiệu bị xâm hại
Còn đối với trường hợp chưa đủ 14 tuổi, theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 1 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm.