Vụ bé 12 tuổi sinh con: Cháu L. có tâm lý bất thường, “hiểu nhầm xâm hại là yêu thương”
Cháu L., bé 12 tuổi sinh con càng ngây thơ, hồn nhiên, những người hỗ trợ càng xót xa.
“Chúng tôi e ngại cháu L. có một số biểu hiện của hội chứng Stockholm”
Gần 2 tháng trực tiếp hỗ trợ, đồng hành với bố con cháu L. - bé 12 tuổi sinh con, anh Lê Thành Trung (CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội) cho biết, anh và các tình nguyện viên không khỏi xót xa. “Điều lo lắng của chúng tôi là bé L. đang có một số biểu hiện của hội chứng Stockholm. Nếu thật sự như vậy, việc giúp bé ổn định tâm lý, vượt qua nỗi đau bị xâm hại có thể sẽ khó khăn hơn”, anh nhận định.
Hội chứng Stockholm là một phản ứng tâm lý xảy ra ở nạn nhân bị bắt cóc hoặc lạm dụng tình dục, khi họ không nhận thức được bản chất tiêu cực của hành vi xâm hại. Đối với hội chứng Stockholm, các con tin hoặc nạn nhân bị lạm dụng có thể vô tình nảy sinh sự đồng cảm về tâm lý với kẻ thủ ác.
Nhiều nhà tâm lý học và các chuyên gia y tế coi hội chứng Stockholm là một cơ chế đối phó hoặc một cách để giúp nạn nhân xử lý chấn thương về tâm lý trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
Anh Lê Thành Trung bên các trẻ em được CLB hỗ trợ chăm sóc
Anh Trung cho biết, sở dĩ anh nghi ngờ như vậy, là do bé L. có một số biểu hiện khác biệt với phần lớn trẻ vị thành niên bị xâm hại mà CLB đã hỗ trợ trước kia.
“Thường thì trong các trường hợp nạn nhân bị dùng vũ lực đe dọa, cưỡng bức, các cháu sẽ có biểu hiện vô cùng sợ hãi, tránh né đàn ông, rút lui giao tiếp với người lạ, rất sợ hãi. Còn khi chúng tôi tới chơi, rất ngạc nhiên là bé L. quá vô tư. Khi được chúng tôi đưa đi chơi tô tượng, gắp thú, bé vẫn rất hồn nhiên.
Chúng tôi nghi ngại cháu L. có sự khác biệt, là do con thiếu thốn tình cảm, ôm ấp của mẹ từ nhỏ, bố lại bận rộn chểnh mảng không chăm sóc kỹ, rất có thể kẻ xâm hại đã dụ dỗ cháu bằng bánh kẹo, đồ chơi. Bé không nhận ra ý đồ phía sau đó nên có thể cho rằng đó là người yêu thương mình.
Cũng vì không được giáo dục giới tính, không biết phân biệt hành vi xâm hại và hành vi yêu thương, rất có thể bé đã đánh đồng hành vi xâm hại là hành vi yêu thương. Đó là điều nguy hiểm nhất với các nạn nhân nhỏ tuổi”.
Anh Trung cho biết thêm, trong nhiều năm hỗ trợ các nạn nhân vị thành niên bị xâm hại tình dục, họ đã từng gặp tình huống nạn nhân nghi ngờ bị hội chứng Stockholm. Những nạn nhân bị lạm dụng này còn hiểu lầm rằng mình và đối tượng xâm hại “có mối quan hệ tình cảm”; và thậm chí có phản ứng thù hằn gia đình khi đưa vụ việc ra ánh sáng.
“Tôi và các tình nguyện viên đều thấy đau buồn và lo ngại cho cháu L. Cháu là đứa trẻ còn chưa hiểu hết về cơ thể mình. Một đứa trẻ còn đang thích tô tượng, thích trà sữa, chơi thú bông, thích KFC… mà đã sinh con, bị đẩy một trọng trách quá lớn, quá là xót xa”, anh tâm sự.
Không phải sinh con xong là hết chuyện
Sau một thời gian tiếp xúc, hỗ trợ gia đình bé L., anh Trung cho biết, CLB coi cháu như người trong gia đình, rất thương cháu và thương cả ông bố nữa.
Anh nhận định, dù bên ngoài, bé L. vẫn ngây thơ, nhưng nỗi đau trong cháu quá lớn. Anh kể lại, bé L. thích những đồ chơi bóp được để “cho đỡ khó chịu trong người”.
Anh và các tình nguyện viên đã tặng bé mấy con thú bằng cao su để cháu chơi, nhưng chỉ được một buổi, món đồ chơi đã hỏng (do bị bóp quá nhiều). Một lần khác, khi hỗ trợ bé, nhóm tặng bé một con búp bê. Bé L. đã bẻ, bóp, vứt đi, kiểu như trút giận vào con búp bê đó.
Những biểu hiện này là điển hình của các nạn nhân trải qua sang chấn tâm lý, nhưng gặp khó khăn trong diễn đạt cảm xúc. Nhận thấy điều đó, ngay khi nhận hỗ trợ bé L., các thành viên trong CLB thường xuyên gặp gỡ, dẫn bé L. đi chơi và đưa chuyên gia tâm lý đến trợ giúp cho bé.
Cháu L. gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc
Về việc bé L. đã sinh con, dựa trên kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các trường hợp tương tự, anh Trung nêu quan điểm, để cháu L. ở cạnh con mới sinh có thể gây nguy hiểm cho cả hai.
“Bé L. không có chuẩn bị tinh thần gì, không có hình dung gì về việc tối thiểu của phụ nữ, việc làm mẹ, vì không ai dạy cháu gì cả. Từ cách cháu phản ứng với đồ chơi, không lường trước được bé L. sẽ phản ứng thế nào với em bé mới sinh.
Một đứa trẻ suốt ngày khóc lóc, đòi hỏi sự chăm sóc rất vất vả, với những người trưởng thành có thể đã gây căng thẳng, còn với một đứa trẻ vừa trải qua sang chấn, không hình dung được phản ứng của cháu L. sẽ ra sao.
Dự định của bố cháu L. là chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa bé trai về mái ấm nuôi một thời gian. Đến khi bé L. ổn định tâm lý sẽ cho tiếp xúc dần dần, làm quen dần với con. Chúng tôi sẽ thay mẹ bé L. hướng dẫn kỹ năng, dạy dỗ cháu những kỹ năng tối thiểu, bế ẵm, chăm sóc con”.
Anh Trung cho rằng, việc hỗ trợ phục hồi tâm lý cho cháu L. cần nhiều thời gian. CLB sẵn sàng hỗ trợ lâu dài để sau này cháu L. có thể trở về hòa nhập cuộc sống, nếu gia đình yêu cầu.
“Không phải sinh con xong là hết chuyện. Với các nạn nhân bị xâm hại dẫn đến sinh con, diễn biến tâm lý sau khi sinh cũng cần được chú ý. Cháu L. cần được hỗ trợ sau đó rất nhiều, để có thể sống tiếp và hướng đến việc đi học lại để có tương lai”.