Vụ bà mẹ 2 con tử vong sau khi điều trị dị ứng thức ăn tại TP.HCM: Yêu cầu bệnh viện An Sinh "rút kinh nghiệm"
Hội đồng chuyên môn yêu cầu phía Bệnh viện An Sinh rút kinh nghiệm chuyên môn xử trí sốc phản vệ bằng tiêm Adrenalin vào bắp thay vì tiêm dưới da.
Ngày 15/5, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sau khi thành lập hội đồng chuyên môn làm rõ quá trình khám chữa bệnh của nữ bệnh nhân L.N.T (ngụ TP.HCM) tại Bệnh viện (BV) An Sinh và BV Nhân dân 115.
Theo đó sau khi nghe 2 BV báo cáo quá trình khám chữa bệnh, xem xét các dữ liệu trên hồ sơ bệnh án của người bệnh, hội đồng đã phân tích và kết luận bệnh nhân bị phản vệ độ 4 do dị ứng thức ăn.
"Nguyên nhân tử vong do sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan). Theo Hội đồng chuyên môn, lúc bệnh nhân nhập viện BV An Sinh chẩn đoán dị ứng thức ăn, phản vệ độ 1 là phù hợp. BV đã xử trí đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.
Lúc 20 giờ BV đã theo dõi sát, phát hiện kịp thời sốc phản vệ và xử trí tiêm Adrenalin dưới da thay vì tiêm vào bắp. Khi người bệnh diễn tiến xấu, ngưng tim ngưng thở, bệnh viện tổ chức cấp cứu kịp thời hiệu quả, chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 an toàn và có hội chẩn trước" - bà Mai thông tin qua văn bản.
Bệnh viện An Sinh (TP.HCM).
Tuy nhiên cũng theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, việc BV An Sinh rút nội khí quản và ngưng thở máy lúc 23h30 ngày 18/4 là sớm khi người bệnh chống thở máy. Tại BV Nhân dân 115, bệnh nhân được chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan là phù hợp với phác đồ.
Việc chẩn đoán sốc phản vệ do nguyên nhân dị ứng thức ăn, không nghĩ đến thuốc điều trị. BV có hội chẩn nội viện, liên viện kịp thời và kết quả xét nghiệm độc chất trong nước tiểu người bệnh do BV An Sinh sử dụng là đúng liều lượng.
Sau kết luận này, Hội đồng chuyên môn yêu cầu BV An Sinh rút kinh nghiệm chuyên môn: Xử trí sốc phản vệ bằng tiêm Adrenalin vào bắp thay vì tiêm dưới da. BV cần hội chẩn liên viện sớm hơn sau khi cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn, và nên tiếp tục cho bệnh nhân thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy nhưng tình trạng còn nặng.
Hội đồng chuyên môn yêu cầu BV An Sinh rút kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu.
BV cũng nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để xử lý nguyên nhân phù phổi.
Kết luận của hội đồng chuyên môn sẽ được Thanh tra Sở Y tế TP HCM căn cứ trả lời cho người bệnh và giải quyết theo quy định.
Trước đó như đã thông tin, vào chiều tối 18/4, chị T. được chồng đưa đến BV An Sinh thăm khám sau khi đã bị ngứa, nổi mề đay vài ngày. Người nhà cho rằng trước đó chị T. có ăn hải sản và thịt bò cũng như có mua thuốc tây điều trị nhưng không khỏi.
Tại BV, chị T. được chẩn đoán dị ứng thức ăn nên được điều trị theo phác đồ này, tiêm thuốc kháng dị ứng. Tuy nhiên khoảng 1 giờ sau, bệnh nhân bất ngờ lên cơn sốc, khó thở, tím tái rơi dần vào ngưng tim. Nghĩ đến sốc phản vệ, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu theo hướng này, cho bệnh nhân đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch. 3 giờ sau, thể trạng bệnh nhân dần có dấu hiệu phục hồi, mạch và huyết áp trở lại bình thường.
Tuy nhiên đến sáng 19/4, chị T. tái sốc trở lại, phía BV An Sinh đã xử trí cấp cứu và chuyển gấp bệnh nhân qua BV Nhân dân 115. Gần 24 giờ điều trị tại đây, bệnh nhân diễn biến nặng không hồi phục và tử vong.