Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong: Ngừng tiêm vắc-xin để điều tra
Sau khi có 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), lô vắc xin viêm gan B trên đã tạm dừng sử dụng, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân gây tử vong của trẻ.
Bộ Y tế cũng đã nhận được đề nghị hỗ trợ của Quảng Trị trong việc tìm kiếm vắc xin viêm gan B thay thế trong thời gian tạm ngừng lô vắc xin trên.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết ông cùng chuyên gia của Bộ Y tế đã có mặt tại Quảng Trị để giải quyết sự việc.
Gia đình 3 trẻ sơ sinh xấu số ở Quảng Trị đưa các cháu về mai táng (Ảnh: VietNamNet)
Ông Hiển cho biết các giả thuyết khiến 3 trường hợp tử vong sau tiêm viêm gan B đã được đưa ra. Có thể do chất lượng vắc xin, chất lượng bảo quản sinh phẩm, cách tiêm, bệnh tật của trẻ. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận nào về vấn đề này vì chưa có đủ các bằng chứng khoa học.
Hiện kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh chưa được đưa ra song theo báo cáo ban đầu của bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa thì nguyên nhân có thể do sốc phản vệ.
Được biết vắc xin viêm gan B này do Việt Nam sản xuất (Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1) vào năm 2012 và có hạn sử dụng đến năm 2015.
Đây là lần thứ 2 xảy ra chùm tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B. Trước đó, vào năm 2007-2008, Việt Nam từng ghi nhận 10 ca tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B.
Dù các kết luận sau đó của hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế khẳng định nguyên nhân không phải do chất lượng vắc xin nhưng sự việc đã khiến tỉ lệ tiêm phòng viêm gan B giảm mạnh, chỉ còn 20% vào các năm sau đó.
Đến nay (trước khi xảy ra sự việc 3 cháu tử vong), tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đang là 70%.
Ông Hiển khẳng định: Tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh có hiệu quả rất lớn, có tác dụng phòng 85 - 90% nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này từ mẹ sang con.
Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2003 và đã giảm đáng kể tỷ lệ trẻ mang vi rút viêm gan B.
Các phản ứng thông thường sau tiêm có thể gặp như đau tại chỗ tiêm và sốt. Ông Hiển cho biết cũng như các loại vắc xin và sinh phẩm khác, vắc xin viêm gan B cũng có tỉ lệ tai biến nhất định sau tiêm.