Với những người lao động và sinh viên nghèo ấy, họ phải bỏ đi chữ “muốn” và học cách sống với chữ “đành” - vì chẳng còn lựa chọn khác
Khi chỉ có những khoản thu nhập hay chu cấp hàng tháng ít ỏi, thì “được lựa chọn” một căn phòng trọ tốt hơn hay một nơi ở thoáng rộng hơn, cũng đều trở thành một khái niệm xa xỉ.
14 người chết, 3 người bị thương trong một trận cháy nhà trọ vào đêm qua tại Hà Nội. Buổi sáng của tôi bắt đầu bằng dòng tít này.
Theo dòng tin tức, chân dung những cuộc đời bắt đầu hiện lên. Một ngôi nhà trọ 5 tầng nằm cách mặt đường 100m. Một con ngõ nhỏ chỉ vừa hai xe máy qua lại. 17 người đăng ký thuê 13 phòng để ở. Tôi ấn vào những bức hình chụp lại hiện trường.
Trong những căn phòng bị cháy rụi với bức tường ám đen là dấu vết của những cuộc đời và giấc mơ dang dở. Một chiếc đệm kê sát tường, bàn ăn nhỏ và một chiếc laptop vẫn đang cắm điện, đối diện đó là một kệ nhựa đựng nồi niêu và bát đĩa, ngay bên cạnh là một chiếc bếp từ mini và một chiếc tủ lạnh - tất cả gói gọn trong không gian chỉ chừng 15m2. Có lẽ, căn phòng này của một thanh niên độc thân đang làm việc ở một công ty nào đó trong thành phố, có lẽ người thanh niên ấy đã rời bỏ quê hương để tìm một cơ hội tốt hơn và khiêm nhường mơ về một tương lai đang mở ra phía trước, cho đến khi ngọn lửa đêm qua bùng lên…
Những căn nhà như thế là khởi đầu cho giấc mơ về một cuộc sống mới ở thành thị của biết bao người. Những căn phòng trọ chật hẹp nằm sâu hun hút trong con ngõ hẹp, trên tầng cao của những căn nhà được cơi nới để kinh doanh - chính là lựa chọn phổ biến nhất, thường thấy nhất cho những người lao động có thu nhập thấp, cho những sinh viên/ học sinh đến từ tỉnh xa. Trong không gian chỉ vừa một tấm đệm và một chiếc tủ lạnh ấy, họ cần cù mỗi ngày để nuôi hy vọng cho tương lai tươi sáng hơn.
Vì nói thật, họ làm gì còn lựa chọn nào khác. Thêm 1 thứ tiện nghi, là thêm nặng vai chi phí. Ra được một cái ngõ rộng hơn hay đơn giản phòng có thêm cửa sổ thông thoáng, là có khi tiền nhà đội lên cả triệu. Giữa thành thị đắt đỏ, vật giá mọi thứ leo thang. Tiết kiệm tối đa không gian ăn ở, là biện pháp đầu tiên và hiệu quả nhất.
14 người chết. 3 người bị thương. Ở trên mặt báo, đó chỉ là những con số. Ở ngoài đời, đó là những số phận, những con người với câu chuyện riêng. Trong danh sách nạn nhân có một cặp vợ chồng mới cưới 3 tháng, một cô bé quê Thái Bình có mẹ bị bệnh tim nên chưa ai dám báo tin, một người đàn ông đến từ Bắc Kạn, một cậu sinh viên mới gọi về xin mẹ 70.000 đồng tiền ăn nốt bữa cuối để mai về quê… Ai đó đều thấy mình trong câu chuyện của họ, ai đó cũng từng sống trong những căn phòng cho thuê với giá 3-4 triệu/ tháng, với lối đi và nhà vệ sinh chung, ai đó cũng từng chấp nhận sống trong một phòng trọ kín như bưng để tiết kiệm chi tiêu nơi thành phố đắt đỏ. Ai cũng từng tự động viên mình vất vả một tí, thiếu tốn một tí, phiền phức một tí… rồi thế nào sau này sẽ tốt hơn…
Sau vụ cháy chung cư mini vào năm ngoái, nỗi lo với những căn nhà trọ giá rẻ nằm sâu trong các con ngõ hẹp trở nên rõ ràng hơn. Địa hình lắt léo, những ngôi nhà không được xây với phương án tối ưu cho phòng cháy chữa cháy, những căn phòng chật chội không có cửa sổ lẫn lối thoát hiểm… dù biết không an toàn, nhưng vẫn là lựa chọn hàng đầu của người có thu nhập thấp. Chẳng ai muốn sống trong một cái “chuồng cọp” tối tăm chật chội, chẳng ai muốn phải vùi mình vào đống chăn đệm vẫn ám mùi dầu mỡ nấu ăn vì bếp chỉ cách đó có mấy mét, chẳng ai muốn đêm nằm ngủ phải nơm nớp lo chỗ xe đạp điện đang sạc dưới hầm biết đâu bén lửa,... Nhưng vì những lo toan, người ta phải bỏ đi chữ “muốn” và học cách sống với chữ “đành”. Khi không có nhiều tiền trong tay, lựa chọn trở thành một khái niệm xa xỉ.
14 người chết. 3 người bị thương. Ở trên báo, đó là một sự tổng kết. Ở ngoài đời, đó là 14 gia đình từ nay đã vĩnh viễn mất đi người thân yêu, là 3 người sẽ mãi mãi sống với dư chấn về một đêm kinh hoàng. Là nỗi lo sợ sẽ tiếp tục đè nặng hàng trăm nghìn người lao động khác đang sinh sống ở khắp đô thị. Là những cuộc điện thoại, những tin nhắn gấp gáp trong sáng nay của hàng nghìn gia đình ở quê cho các con cháu trên thành phố vì hoảng sợ sau khi đọc tin trên mạng. Và cũng là nỗi ám ảnh khi họ biết rằng, sau tất cả, họ vẫn không có khả năng để chi trả cho những lựa chọn an toàn hơn.
Thành thị luôn hào phóng dành cơ hội cho bất cứ ai, nhưng cũng là nơi chốn khốc liệt đòi hỏi con người phải trui rèn niềm tin nhiều hơn là lý trí trước vòng xoay hối hả. Ở đây, ai cũng mơ một giấc mơ đổi đời, ai cũng âm thầm vẽ cho mình một con đường thoát khổ, ai cũng mong cầu về một tương lai tươi sáng đang chờ phía trước. Từng chút, từng chút, họ nỗ lực bằng những gì trong tầm tay. Một khởi đầu gập ghềnh nhưng biết đâu sẽ đổi lại một tương lai xán lạn.
Và trong lúc cố gắng cho những điều mình “muốn” thành sự thật, họ lại phải “đành” đánh cược với những vận xui. Dù vẫn biết đôi khi, sự đánh cược đấy là cả bằng sự an nguy của chính mình.
Là nỗi lo sợ sẽ tiếp tục đè nặng hàng trăm nghìn người lao động khác. Là những cuộc điện thoại, những tin nhắn gấp gáp trong sáng nay của hàng nghìn gia đình ở quê cho các con cháu trên thành phố vì hoảng sợ sau khi đọc tin trên mạng.
Và cũng là nỗi ám ảnh khi họ biết rằng, sau tất cả, họ vẫn không có khả năng để chi trả cho những lựa chọn an toàn hơn.
Thành thị luôn hào phóng dành cơ hội cho bất cứ ai, nhưng cũng là nơi chốn khốc liệt đòi hỏi con người phải trui rèn niềm tin nhiều hơn là lý trí trước vòng xoay hối hả của đồng tiền. Ở đây, ai cũng mơ một giấc mơ đổi đời, ai cũng âm thầm vẽ cho mình một con đường thoát khổ, ai cũng mong cầu về một tương lai tươi sáng đang chờ phía trước.
Và trong lúc cố gắng cho những điều mình “muốn” thành sự thật, họ lại phải “đành” đánh cược cuộc đời với vận may…