Vợ tôi là hoa khôi

,
Chia sẻ

Trước tòa, Mỹ Duyên nói rằng cô ấy đã hy sinh tuổi trẻ và nhan sắc cho chồng và đòi được bồi thường thiệt hại.

Mỹ Duyên, vợ tôi là hoa khôi ở trường đại học. Có hàng trăm chàng trai đã rồng rắn xếp hàng để chờ đợi một cái gật đầu của Mỹ Duyên, trong đó tôi là người đứng cuối hàng. Tôi xác định sẽ kiên trì nhích lên từ nửa bàn chân một và vì thế mà tôi đã thắng - Nguyễn Hoàng Hà (chồng Mỹ Duyên) kể.

Không anh nào chịu nổi cái tính đỏng đảnh của Mỹ Duyên và đã lặng lẽ rút lui. Còn tôi vì đứng cuối hàng nên khi được gần Mỹ Duyên thì cô ấy cũng đã bớt đỏng đảnh đi nhiều lắm rồi. Điều kiện mà Mỹ Duyên đặt ra với tôi cũng đơn giản: “Anh phải chiều em cơ”. Tôi gật đầu hứa chắc như đinh đóng cột: “Với anh em là Chúa Trời. Em muốn gì anh cũng chiều”.

Cô ấy là con út trong một gia đình có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Là con út, lại là con gái duy nhất nên Mỹ Duyên rất được bố mẹ và các anh cưng chiều. Cả nhà xem Mỹ Duyên là cục cưng, muốn gì được nấy. Khi lớn lên, Mỹ Duyên trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp và cũng là niềm tự hào của 3 ông anh trai.
 

Tôi nhớ khi lần đầu tiên tôi về ra mắt với gia đình Mỹ Duyên, cả 3 ông anh của cô đã nhìn tôi bằng ánh mắt săm soi rất kỹ lưỡng và hỏi cung tôi rất nhiều: “Cậu hiện làm ở đâu? Thu nhập có ổn định không? Gia đình như thế nào? Bố làm gì? Mẹ làm gì? Kinh tế gia đình ra sao? Nếu cưới Mỹ Duyên thì hai vợ chồng sẽ ở đâu? Sống chung với bố mẹ hay thuê nhà ở riêng?” v.v... và v.v... quả thật nếu không quá mê Mỹ Duyên thì tôi không thể chịu đựng nổi cuộc hỏi cung đó.

Riêng bà mẹ Mỹ Duyên thì dễ chịu hơn. Bà nói riêng với tôi giọng rất thân mật và hiền từ: “Con gái của mẹ được cả nhà nuông chiều từ bé. Nó càng lớn lên mẹ càng thấy rằng sự nuông chiều đó là thái quá. Những người quá được nuông chiều thì hay có tính ích kỷ, coi mình như vua, muốn đòi hỏi gì cũng được. Sau này con đừng chiều nó quá. Làm chồng thì phải thương vợ, nể vợ, có trách nhiệm với vợ nhưng nếu chiều vợ quá thì không nên”.
 
Tôi quý mẹ vợ ngay từ buổi đầu tiên ra mắt. Bà rất thật thà và tốt bụng. Tôi biết trong tương lai tôi còn phải nhờ mẹ vợ nhiều. Bát đĩa vô tri còn va chạm sứt mẻ huống chi con người có suy nghĩ, có cá tính và quan niệm sống riêng. Mai sau nếu vợ chồng có chuyện bất hòa thì mẹ vợ là người hòa giải tốt nhất, vì con gái hay nghe lời mẹ và cũng không ai hiểu con gái hơn người mẹ.

Chúng tôi tổ chức hai lễ cưới trang trọng, một lễ cưới ở Hà Nội với bạn bè của chúng tôi và một lễ cưới ở làng với họ hàng của Mỹ Duyên. Bố mẹ tôi không tán thành lễ cưới thứ hai này. Theo hai cụ nếu cần có một lễ cưới ở quê với họ hàng thì phải  tổ chức ở quê tôi chứ không phải chú rể tổ chức lễ cưới ở nhà gái để nịnh họ hàng bên ngoại.
 
Nhưng do tôi năn nỉ mãi nên bố mẹ tôi cũng đồng ý tổ chức đám cưới thứ hai ở làng Mỹ Duyên. Mẹ tôi nói sau một tiếng thở dài: “Thôi đành chiều nó vậy. Nhưng mẹ sợ rằng sau này con sẽ khổ vì vợ”.
 
Cưới xong, sau tuần trăng mật, Mỹ Duyên muốn ra ở riêng “Em muốn vợ chồng mình được tự do. Sống với các cụ bó buộc lắm”. Bố mẹ tôi cũng hiểu được tâm lý của Mỹ Duyên và đã mang 2 tỷ đồng lên Hà Nội mua cho vợ chồng chúng tôi một căn hộ chung cư khá rộng rãi.

Chúng tôi cãi nhau lần đầu tiên sau khi Mỹ Duyên sinh con đầu lòng. Cô ấy không chịu cho con bú, vì sợ hỏng ngực và sợ đêm hôm phải thức giấc vất vả. Nhưng tôi biết rằng tốt nhất đối với con thơ là phải được nuôi bằng sữa mẹ, ít nhất trong 6 tháng đầu.
 
Nhưng Mỹ Duyên kiên quyết phản đối: “Vớ vẩn. Sữa ngoại bây giờ không kém gì sữa mẹ. Chỉ tiếc mấy đồng bạc mà anh hành hạ em. Nếu muốn con anh ăn sữa mẹ thì hãy đón một vú em về mà nuôi”. Tôi không nhân nhượng và điều qua tiếng lại. Mỹ Duyên đùng đùng bỏ nhà đi thuê phòng khách sạn ở cho tới khi tôi phải đến xin lỗi cô ấy mới về.
 
Lần thứ hai cãi nhau là do chuyện thời trang. Tủ giầy của Mỹ Duyên có 22 đôi, tủ quần áo có khoảng 40 bộ. Tuần nào cô ấy cũng đến shop thời trang ít nhất một lần và tha về cả đống quần áo, giầy dép. Mua nhiều thế nhưng hễ dùng thấy không vừa ý là cô ấy đem cho bạn bè ngay và lại tìm mua bộ khác.
 
Tôi góp ý: “Là người giữ tay hòm chìa khóa, em phải chi tiêu cho có kế hoạch. Giờ em đã có chồng có con phải sống thiết thực và tiết kiệm hơn”. Cô ấy đốp chát ngay: “Lại tiếc tiền chứ gì! Em ghét nhất những thằng chồng keo kiệt, vậy mà ghét của nào trời trao của ấy”. Cô ấy nói thế rồi lại đùng đùng đi thuê phòng khách sạn và tôi lại phải đến xin lỗi đón về.
 
Trong 4 năm sống chung khoảng hơn 30 lần vợ tôi bỏ nhà ra khách sạn ở. Sự chịu đựng của con người, dù là người rất hiền lành cũng có giới hạn. Tôi đã chịu đựng đến giới hạn cuối cùng rồi, không thể gắng thêm được nữa và tôi phải đưa đơn xin ly hôn. Giờ đây tôi mới nhận ra sai lầm rất căn bản của mình từ ngày đầu. Tôi quá tham sắc và vì thế mà phải gánh hậu quả nặng nề.

Trước tòa Mỹ Duyên nói rằng cô ấy là người bị hại đã hy sinh tuổi trẻ và nhan sắc cho chồng. Vì thế cô đề nghị tòa bắt Nguyễn Hoàng Hà phải bồi thường thiệt hại cho cô. Bà thẩm phán cười mỉm và nói rằng: “Trong trường hợp này thật khó kết luận ai là người bị hại. Nhưng tòa đồng ý cho hai người ly hôn”.
 
Nhà văn Hoàng Hữu Các
Theo Gia đình
Chia sẻ