Vợ tớ cực cao tay trong việc trị chồng
Đàn ông nào cũng thế. Bên ngoài dù bặm trợn, hung dữ đến đâu thì trong lòng cũng có một điểm yếu. Điểm yếu của tớ là thích được vợ khen, ưa nịnh.
Tớ không ngờ bài “Tớ sợ vợ tớ” của mình đăng trên báo lại có nhiều người phản hồi đến thế.
Tớ rất cảm động khi thấy không ít người chúc vợ chồng tớ hạnh phúc, và rất khoái vì nhiều người khen tớ, có cô gái còn bảo:“Em thích anh xã này!”. Nhưng hầu hết là khen vợ tớ. Có cô khen: “Chị ấy thật là tuyệt, có khi anh bảo chị ấy lập hẳn một trang web tư vấn cho mấy cô “sồn sồn” bọn em”.
Nhưng cứ theo thiển ý của tớ thì để đàn ông chúng tớ tư vấn cho chị em có lẽ tốt hơn, vì chỉ có đàn ông mới biết phái mạnh muốn gì ở người vợ, muốn vợ phải cư xử thế nào với chồng thì mới hiệu quả.
“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, chẳng bài học nào có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người. Vì vậy phải “gạn đục khơi trong” mà chọn những gì phù hợp với hoàn cảnh mình, tính cách người bạn đời của mình mà áp dụng.
Ví như ngày đầu vợ tớ cũng bực với kiểu vô tổ chức của tớ lắm. Bạn cứ ới cái là tớ tút đi chẳng bảo vợ câu nào. Hết giờ làm, có người rủ đi nhậu là tớ đi đến ngất ngư mới về. Có khi cả tuần chỉ ăn cơm với vợ con một, hai bữa. Cứ thế thì vợ nào mà không bực.
Vợ tớ chẳng phải Thánh, ban đầu cũng hỏi nhẹ nhàng, trách nhẹ nhàng, nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng chẳng tác dụng gì. Thế là vợ tớ cáu, tức sôi lên nhưng tức với người ngất ngư say xỉn thì ích gì. Thế là đành chịu thua. Hôm sau thì cô ấy lại nguôi rồi.
Vợ tớ đổi chiến thuật, bảo: “Thôi, anh muốn ăn cơm hàng thì anh ăn, khi nào anh ăn cơm nhà thì báo để em nấu”. Vợ tớ làm thật. Hôm sau tớ về sớm nhưng vì không báo cơm nên vợ không nấu. Tớ lôi gói mì ăn liền ra chiêu nước sôi rồi ăn. Nghĩ lại thấy mình cũng sai nên tớ làm lành: “Anh hay quên báo cơm, từ mai em cứ nấu cho anh nhé. Khi nào anh không ăn thì anh sẽ báo”.
Nhưng “ngựa quen đường cũ”, tớ chỉ tử tế được vài ngày rồi lại đâu vào đấy. Vợ tớ chán hẳn, chép miệng: “Đành sống chung với lũ”. Đúng quá! Chứ bỏ chồng được à? Cáu bẳn mãi thì chỉ mệt óc...
Khi đã chấp nhận thì vợ tớ không nói nữa, coi việc không tuân thủ giờ giấc của tớ là đương nhiên, vì thế nên khi tớ về sớm vợ mới vui như trẻ được quà. Và cũng vì thấy vợ biết điều và vợ vui khi được ăn cơm với mình nên tớ hồi tâm chuyển ý mà làm anh chồng ngoan.
Đàn ông nào cũng thế. Bên ngoài dù bặm trợn, hung dữ đến đâu thì trong lòng cũng có một điểm yếu. Điểm yếu của tớ là thích được vợ khen, ưa nịnh.
Đàn ông hay sĩ diện, hay tự ái. Đường đường là trụ cột trong nhà, đường đường vợ phải gọi là “anh” mà vợ dạy phải làm thế này, phải làm thế kia, để vợ quản lý giờ giấc, quản lý tiền nong đến mất mặt với bạn bè thì sao chịu nổi?! Nhưng vợ chỉ nói một câu ngọt thôi thì tớ lòng lại mềm ra ngay.
Vợ tớ không phải là Thánh, cũng chẳng phải là Phật mà là một người phụ nữ biết tự hoàn thiện mình. Vợ tớ kể rằng: Năm cô ấy học lớp 7, thầy dạy toán bảo rằng: “Khi đi ngủ, các em hãy vắt tay lên trán nghĩ lại xem ngày hôm ấy mình đã làm gì, có nói gì xúc phạm tới người khác hay không? Khi nhận ra những điều mình sai, các em sẽ sửa được”.
Thầy còn dạy: “Khi tức bạn nào, định mắng mỏ hay cãi nhau với bạn thì trước khi mở lời, các em hãy đếm từ 1 đến 7 để kìm chế. Lúc đó các em sẽ bớt nói những lời không hay, sẽ không phải ân hận vì đã có những lời xúc phạm bạn nặng nề”.
Năm vợ tớ học lớp 8, thầy chủ nhiệm khuyên: “Mỗi khi các em thấy bạn nào đó sai lầm, có khuyết điểm, cần đem bạn ra phê bình, kiểm điểm thì hãy tìm hiểu lý do và đặt địa vị mình vào bạn để hiểu bạn nghĩ gì, biết rõ hành động của bạn. Khi ấy các em sẽ thông cảm và biết tha thứ để cho bạn một cơ hội”.