Vợ thích "chỉ đạo"

,
Chia sẻ

Tuyết là nữ trưởng phòng trẻ tuổi của một tập đoàn bảo hiểm nước ngoài. Trong công việc, cô năng nổ, giỏi giang; về nhà cô cũng tỏ rõ "uy lực" của mình.

Duy – chồng Tuyết có cãi vã với sếp về dự án làm ăn mới và mang chuyện này về tâm sự với vợ. Ngay sau đó, cô đã tự mình lặn lội sang nhà vị sếp nọ để giải quyết trục trặc với chồng. Nhờ khéo ăn khéo nói, hôm sau, bản kế hoạch của Duy đã được ký duyệt trước bộ mặt ngơ ngác của anh. Còn sếp thì hoan hỉ: “Vợ cậu tuyệt thật. Cậu sướng phải biết”.

Sau lần ấy, Duy thành ra cảnh giác và yêu cầu vợ “không được can thiệp quá nhiều vào đời tư” của anh nhưng Tuyết lại dỗi: “Em giúp anh, anh chẳng cảm ơn em lại còn thế này, thế khác”.

Tuyết còn thích quyết định “độ nặng nhẹ” của những chiếc phong bì mỗi lần chồng có đám hiếu, đám hỉ. Nhiều lần ức chế nhưng nói mãi vợ không chịu sửa đổi, Duy đành tìm cách đánh tráo bằng chiếc phong bì khác vì ngại “đi ăn cỗ nhà hàng mà vợ chỉ cho phép mức tài chính tối đa là 200.000đ”.

Mai Anh (Quận 1, TP HCM) lại có cách chỉ đạo chồng từ xa, qua chiếc “alo” đời mới. Biết Tuấn – chồng mình có thú vui nhậu nhẹt, Mai Anh không cấm đoán, trái lại, cô chỉ tìm cách “chỉ dẫn”, để anh vui chơi bên ngoài mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cứ cách 15-20 phút, Mai Anh lại gọi để hỏi xem chồng ăn những món gì, đang nói những câu chuyện gì…

Mọi chuyện lớn bé trong nhà, Tuấn đều phải thông qua vợ. Bên cạnh đó, Mai Anh lại có thói quen tự làm tất cả mà không cần chồng đồng ý. Nhiều lần tan giờ làm, cô “hẹn hò” bạn bè đi mua sắm, chơi bời mặc chồng réo rắt gọi điện thoại. Cô cho rằng, anh có quyền nhậu nhẹt thì vợ có "nghĩa vụ vui chơi".

Mai Anh cấm chồng không được truy cập mạng một mình vì sợ anh chat chit tán tỉnh lung tung hoặc xem web bậy trong khi bản thân cô thoải mái “ôm máy” đến 11-12h đêm. Không những thế, lịch ăn sáng của chồng luôn được Mai Anh lên kế hoach không thay đổi, có nghĩa là: Thứ 2-4-6 là xôi, thứ 3-5 là phở, còn ngày thứ 7, chủ nhật, cô sẽ tự tay rán trứng cho anh ăn bánh mỳ…

Vừa đủ để thành vợ đảm

Trong mối quan hệ gia đình, người vợ nên biết dung hòa vai trò của mình. Tính cách thích quyết định mọi việc có thể là nguyên nhân khiến chồng ngày càng nhu nhược và ức chế.

Nhiều người chồng vì muốn giữ gia đình êm ấm mà cố nín nhịn, lâu dần sẽ cảm thấy mình bị lép vế và chán vợ. Hoặc ngược lại, nhiều ông chồng trở nên quá nhu nhược vì có những bà vợ tài giỏi, thích chỉ huy. Nhóm chồng này giao toàn quyền chăm sóc gia đình, quan hệ xã hội vào vai vợ. Đến khi người vợ bị “quá tải" vì phải lo toan nhiều việc, “muốn sửa đổi” chồng thì lại gặp khó khăn. Thậm chí, người chồng cũng không muốn “ra tay” giúp vợ vì nghĩ rằng cô ấy tự giải quyết được.

Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, một người vợ đảm là phải biết cách bước song song cùng với chồng con chứ không nên “leo cao” vì bất kỳ lý do nào. Kể cả những nhu cầu tối thiểu như ăn, mặc, người vợ cũng nên tham khảo ý kiến chồng để biết cách đáp ứng tối đa sở thích, khẩu vị của anh ấy. Tính cách thích áp đặt sẽ khiến người chồng ngột ngạt và bí bách dù với người vợ đó là cách bày tỏ tình yêu thương, chăm sóc.

 Theo Mẹ và bé

Chia sẻ