Vợ thì có thiếu, lại thừa mẹ ra!

,
Chia sẻ

Anh tâm sự: “Tôi thừa mẹ nhưng thiếu vợ”. Anh luôn cảm thấy sợ vợ, giống như hồi bé sợ mẹ.

 
Nhà văn Nga Sekhov, cũng là nhà tư tưởng, có lần viết: “Nếu bạn sợ cô đơn, bạn chớ lấy vợ”. Vậy là ông cũng thừa nhận có vợ vẫn có thể cô đơn. Theo các nhà nghiên cứu gia đình, cô đơn như thế còn tồi tệ hơn sống độc thân.

Một người đàn ông tâm sự:“Tôi thừa mẹ nhưng thiếu vợ”. Hóa ra anh ta luôn bị vợ đối xử như với một đứa trẻ con. Thế mà cách đây 13 năm, khi mới kết hôn, họ từng là đôi bạn tâm đầu ý hợp. Nhưng bây giờ tất cả đã thay đổi. Anh luôn cảm thấy sợ vợ, giống như hồi bé sợ mẹ.

Thực tế cũng cho thấy nếu người vợ nào cư xử với chồng bằng thái độ trịch thượng như mẹ với con thì dần dần anh ta sẽ quen đi, sẽ sợ hãi và răm rắp nghe lời chỉ vì anh ta muốn được... yên thân. Thế là trong trái tim anh ta người vợ ấy không còn nữa, thay vào đó là một người mẹ thứ hai. Những người vợ như thế có hạnh phúc không khi lúc nào cũng phải bảo ban, đe nẹt chồng?

Tại sao lại có những người vợ nhầm lẫn tình vợ chồng với tình mẫu tử? Bởi vì cung cách làm mẹ này, người con gái tiếp thu được từ thuở bé khi họ còn chơi búp bê. Lớn lên họ tưởng rằng yêu ai thì phải chăm sóc người ấy như mẹ chăm con. Nhưng thật ra làm thế may lắm họ sẽ có được lòng biết ơn chứ đâu phải tình yêu từ chồng.

Vậy muốn sửa chữa thói quen này phải làm thế nào? Tốt nhất cứ mặc anh ta. Hãy nhớ rằng chồng là một người đã trưởng thành và anh ta phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Ví dụ, anh ta chở bạn đi xe máy. Ngồi đằng sau bạn đừng điều khiển: “Đi lui vào, đằng sau có xe to đấy!”, “Bóp còi lên, đâm vào người ta bây giờ”, “Rẽ đằng này chứ, định mua đường à?”. Đâu rồi người đàn ông bản lĩnh mà bạn yêu say đắm ngày nào?

Cho nên nếu ngồi sau chồng bạn đừng can thiệp gì cả. Mặc anh ấy đi kiểu gì thì đi, miễn đến được nơi cần đến. Bạn sẽ thấy anh ấy phanh “két”:“Đến rồi em!”. Và anh đàng hoàng xuống xe trông mới chững chạc làm sao. Đó mới đúng là người đàn ông của bạn chứ!
 
 Trịnh Trung Hòa
Tuổi trẻ
Chia sẻ