Vợ sai chồng như sai ôsin
Vợ đi tắm thì anh bị gọi “ơi ơi”: “Lấy hộ em cái khăm tắm”; lên giường ngủ cũng không quên: “Cài màn cho em, anh ơi”...
‘Anh về nhớ qua ông bà ngoại lấy thuốc ho cho cu Tý, mua sữa rồi mang cho bà nội, nhân thể mua luôn một chai nước mắm, một khay tôm đông lạnh cho em nhé. À, mà đừng có quên vụ mua thẻ điện thoại cho em nữa đấy...’ – anh Phong nhận được điện thoại của vợ lúc đang vui bạn vui bè chiều thứ bảy.
Lúc nhà có khách, anh Phong cũng chẳng đuợc vợ “tha”. Hôm có cô bạn thân của vợ đến ăn cơm, vợ anh tráng trứng thì anh bị sai đập trứng, thái hành. Vợ anh luộc gà xong thì tất nhiên, anh phải nhanh nhẹn đi chặt thịt gà. Mấy việc này, anh làm đã quen nhưng chưa kịp tự nguyện làm thì anh đã bị vợ “nheo nhéo”. Nhiều lúc mệt quá, anh cãi lại: “Không làm nữa đâu đấy, làm từ sáng đến giờ” thì vợ anh dỗi: “Ai chẳng làm, mỗi anh mới mệt chắc”. Sau đó là một màn than thở, kể lể khổ đau trong “nước mắt”.
Còn những lúc về ăn cơm cùng ông bà nội, anh cũng chẳng được yên thân. Vợ anh ngại không muốn sai chồng trực tiếp thì sẽ chuyển sang... nhắn tin. Đang ngồi xem chương trình “Rung chuông vàng” cùng cả nhà thì anh Phong nhận được tin nhắn vợ sai nhặt rau đay, gọt mướp. Chậm trễ 1-2 phút là vợ nháy máy giục. Khổ nhất là khi anh lúi húi dưới bếp thì mẹ đẻ đi xuống, giục: “Lên nhà đi, ở đây làm gì”. Vừa lên nhà, ngồi chưa ấm chỗ lại bị vợ nháy máy gọi. Loay hoay giữa vợ và mẹ cũng khiến anh phát mệt.
Chưa hết, hễ ra ngoài gặp bạn bè cuối tuần hoặc ngay cả khi đi ăn cưới, anh Phong cũng có một danh sách những việc cần làm. Lúc thì bị vợ sai qua ông bà nội (ngoại) lấy cái này, đưa cái kia. Không thì cũng phải tranh thủ tạt qua siêu thị mua sữa, mua bánh cho con... Mà vợ anh lúc nào cũng sợ chồng mải vui, quên việc nên chốc chốc lại gọi điện thoại nhắc khiến anh đau đầu.
Dù rất mệt, nhiều lúc bực tức và muốn chống đối nhưng anh Phong hiếm khi kêu lại được với mồm năm mép mười của vợ. Đúng là vợ anh cũng phải đi làm, lo việc nhà, cơm nước rất vất vả nhưng bị sai nhiều khiến anh ức chế. Không ít lần, anh ỳ ra không làm hoặc cáu: “Tự làm đi, có vài việc vặt, suốt ngày sai khiến” nên vợ anh giận dỗi. Những lúc như thế, hai vợ chồng anh lại giận nhau, có khi đến cả tuần lễ.
Sai vặt – ‘món’ cần pha chế đúng cách
Sai vặt như “món ăn”, tùy thuộc vào tài khéo léo của người nội trợ. Có người chế biến thành món ngon, người được sai lẫn người bị sai đều hồ hởi, phấn khởi. Có người làm thành món “nuốt không trôi”, cả vợ cả chồng đều tức anh ách.