Vợ sạch quá cũng khổ

Thanh Hoà,
Chia sẻ

Căn nhà 25m2 vừa được lau dọn cách đó mới một tiếng đồng hồ còn chưa khô hết nhưng đã thấy Hạnh xách giẻ đi lau lại, mà lần nào cũng phải dùng nước khử trùng.

Do thói quen sinh hoạt, nhiều chị em sạch sẽ thái quá khiến những người sống bên cạnh cũng cảm thấy khó chịu đến ngạt thở.

Sạch sẽ phải đưa lên hàng đầu

Đối với không ít phụ nữ, sạch sẽ trở thành một nhu cầu bắt buộc. Việc sạch sẽ làm họ thoải mái và tự tin khi bắt tay làm bất cứ việc gì, tuy nhiên chúng lại biến họ trở nên quá cầu toàn và mong muốn người khác cũng phải sạch sẽ như mình.

Chị Nhung và anh Lâm (Khâm Thiên- Hà Nội) tìm hiểu nhau khá kỹ trước khi kết hôn. Khoảng thời gian 5 năm yêu nhau, anh Lâm đã biết tính chị Nhung ưa sạch sẽ, cẩn thận nên rất vừa lòng. Bản thân anh Lâm cũng là một chàng trai cá tính và ghét sự bừa bộn nên chỉ mong tìm được một cô vợ như Nhung.

Ngỡ tưởng cuộc sống lứa đôi sẽ êm đềm, hoà hợp nhưng chỉ sau vài tháng lập gia đình, Lâm đã thấy mệt mỏi. Tiêu chí tìm bạn đời sống ngăn nắp, gọn gàng dường như đang quay lại phản anh. Nhung sạch sẽ, anh công nhận nhưng sự cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt lại làm Lâm khó chịu và như bị áp đặt.

“Đối với cô ấy, sạch sẽ có lẽ còn quan trọng hơn cả chồng. Đêm tân hôn, cô ấy kiểm tra chân của tôi xem sạch chưa mới cho lên giường. Ngày thường thì hở ra lúc nào tôi thấy cô ấy lau chùi lúc ấy. Mặc dù căn nhà bé tẹo(25m2) vừa được lau dọn cách đó mới một tiếng đồng hồ còn chưa khô hết nhưng đã lại thấy cô ấy xách giẻ ra lau lại. Đi làm về, muốn ngồi tâm sự với vợ cũng khó vì cô ấy đâu có chú tâm nghe mình nói, cứ chăm chăm vào việc quét tước, dọn dẹp. Quần áo tôi chỉ mặc thử nên định cho vào tủ cất đi nhưng Nhung đã vội vàng chạy đến giật lấy đem bỏ vào máy giặt. Có hôm cả nhà, người ngồi đợi, người lau dọn mọi thứ sạch sẽ theo đúng ý thì cô ấy mới chịu đi ăn cơm. Nhiều lúc khó chịu mà không dám cằn nhằn vì sợ cô ấy tự ái”.

 

Cuộc sống tẻ nhạt dần vì vợ sạch

Người phụ nữ một tay lo thu vén, chăm sóc cho tổ ấm bé nhỏ nên sạch sẽ là yếu tố cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ chú tâm đến chuyện sạch sẽ mà không để ý đến cảm nhận của những người xung quanh thì đôi khi họ đã khiến người thân phải khó chịu.

Bản thân thấy ức chế và mệt mỏi nhưng anh Tuấn không ngờ ngay cả khi nhà có khách chị Hạnh vẫn thản nhiên biểu lộ sự sạch sẽ thái quá của mình khiến cho bạn bè, đồng nghiệp của anh cũng phải tự ái.

Bạn bè vừa bước vào nhà, chị chào xã giao một câu rồi vội vàng ra thu gọn dép guốc cho đúng nề nếp;  mọi người vừa rời khỏi bàn uống nước xuống chiếu ngồi dùng cơm thì chị  liến thoắng mang ấm chén đi cọ rửa …Những lúc đó, đồng nghiệp của anh Tuấn vẫn tươi cười vui vẻ nhưng dần dần họ cũng không dám tụ tập tại nhà anh nữa vì thấy không thoải mái.

Ngay cả đến người thân, chị Hạnh cũng áp đặt một lối cư xử đúng như vậy. Chỉ vài tháng sau khi chị về làm dâu, cả gia đình đằng nội đã không còn tìm đến nhà anh Tuấn để sum vầy tụ họp như trước nữa. Tất cả cũng chỉ vì ngại Hạnh.

Theo quan điểm của nhiều phụ nữ, sống sạch là phương thức bảo vệ sức khoẻ tốt nhất.Tuy nhiên, các chuyên viên tư vấn thì lại lý giải rằng, môi trường quá sạch đến mức vô trùng cũng không tốt cho sức khỏe, vì khả năng đề kháng của cơ thể kém đi, dễ mắc bệnh dị ứng.

Còn xét về mối quan hệ gia đình, những người quá kỹ tính về vệ sinh thường hay để ý, xét nét người khác khiến mọi người ngại tiếp xúc và có ấn tượng khó gần. Nếu “nửa kia” của chị em là những đức lang quân cẩu thả, bừa bộn thì mâu thuẫn sẽ thường xuyên xảy ra và nguy cơ tan vỡ là rất lớn.

TH

Chia sẻ