Vợ ơi, hẹn hò nhé!

,
Chia sẻ

Pip…pip, có tin nhắn. Chị Thanh - nhân viên kế toán một công ty thực phẩm vội mở điện thoại ra xem: “BX(*), sáng mai hẹn hò với OX(*) nhé!”.

Chị hiểu ngay ý chồng “rủ vợ đi cà phê cuối tuần đấy mà”. Trung bình một tháng, vợ chồng chị Thanh đi cà phê hai - ba lần, không có lịch cụ thể, nên khi nào chồng í ới là chị sẵn sàng. Thời sinh viên yêu nhau, chị Thanh và anh Hải là khách hàng thân thiết của các quán cà phê, quán kem bình dân quanh ký túc xá. Kết hôn rồi sinh bé Thỏ, thói quen đi thư giãn ở quán xá của vợ chồng chị bị bỏ quên. Xong việc ở cơ quan là tất bật cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm con. Chồng chị cũng lo cày hai ba việc để kiếm tiền mua nhà ra riêng. Những bộn bề mưu sinh chẳng những làm mất đi sự lãng mạn, mà còn khiến vợ chồng phát sinh mâu thuẫn.

Một lần, mâu thuẫn sắp bùng nổ thành “chiến tranh”, vợ chồng chị quy ết định nghỉ việc một buổi để nói chuyện cho “ra ngô ra khoai”. Anh chị chọn một quán cà phê gần bờ sông, tìm sự tĩnh lặng, vắng vẻ để dễ “xử” nhau. Nhưng, khung cảnh thơ mộng, lãng mạn đã làm ký ức tình yêu của hai người ùa về. Quán cà phê là nơi anh tỏ tình với chị, là nơi chứng kiến cái nắm tay, nụ hôn đầu tiên của họ. Kỷ niệm ngọt ngào khiến hai cái đầu đang nóng được hạ nhiệt. Thay vì kể tội nhau, anh chị lại nhắc kỷ niệm, về trường lớp cũ, bạn bè xưa rồi mới nhẹ nhàng đề cập đến những bất đồng. Sau bốn giờ trò chuyện, anh chị ra về với tâm trạng thoải mái vì đã trút được bầu tâm sự, vợ chồng lại hiểu nhau hơn. Từ đó, thói quen đi cà phê thư giãn “kiêm” bàn chuyện gia đình của vợ chồng Thanh được hình thành, nay đã sáu năm.

 

Sáng chủ nhật giữa mỗi tháng, vợ chồng chị Hồng Phượng - Phó phòng nhân sự một công ty quảng cáo đều hẹn vợ chồng chị Hà - người bạn thân ra quán cà phê gần nhà. Ở đây, Cu Bi và Củ Sen con của chị Phượng và chị Hà có chỗ nô đùa quanh hồ cá, vườn hoa. Còn bốn “đứa lớn” thư thả “tám” đủ chuyện. Đặc biệt, gia đình nào có chuyện khó giải quyết đều thổ lộ để bên kia góp ý. Tháng rồi, vợ chồng chị Hà đang bất đồng vì vấn đề “có nên cho con học trường quốc tế?”, bốn người cùng phân tích thiệt hơn và đi đến quyết định một cách hòa bình, nhẹ nhàng. Sau bữa cà phê sáng cuối tuần, về nhà, ai cũng có tâm trạng thoải mái, tình cảm vợ chồng đậm đà hơn, tình bạn cũng gắn bó hơn.

Còn chị Bình - phó giám đốc một công ty sách lại có kỷ niệm rất vui về chuyện cà phê. Lần đó, vợ chồng đang xung đột rất căng, chị hẹn chồng ra quán cà phê định nói lời chia tay. Hai người mới nói được vài câu thì nghe có tiếng hô hoán, rượt đuổi. Đèn vụt tắt, khách chạy tán loạn. Chị đang phát hoảng thì chồng kéo tay chạy. Trời tối thui, người này va người kia nên chồng chị ôm vợ vào lòng, hộ tống chị ra khỏi quán an toàn. Hành động của chồng khiến chị cảm động và nhận ra chồng cũng có nhiều ưu điểm, nên chỉ “phê và tự phê”. Đến nay, vợ chồng chị đã trải qua 10 năm hạnh phúc sau sự kiện đó.

Đừng gán quá nhiều nhiệm vụ

Trong cuộc sống, hiếm thấy gia đình nào tránh được cảnh lục đục, bất hòa, nhất là những cặp vợ chồng sống chung với cha mẹ chồng/vợ, mâu thuẫn càng có nguy cơ bùng phát nhiều hơn và cũng rất khó giải quyết mâu thuẫn do không có không gian riêng. Có đôi, chồng đi nhậu về trễ, quên cả lời hứa đưa vợ đi khám thai. Vợ rất giận, muốn hét lên nhưng đành phải kéo chồng vào phòng, và gây gỗ bằng cách xù xì, vì sợ cha mẹ nghe. Hai người rì rầm một lúc, câu được câu mất, đã bực càng thêm bực. Do đó, nhiều người đã chọn quán cà phê để trao đổi chuyện gia đình.

Chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai - GĐ Công ty Tâm lý học ứng dụng cho rằng: Quán cà phê là địa điểm lý tưởng để vợ chồng chia bùi, sẻ ngọt hay giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn. Khung cảnh đẹp, yên tĩnh của quán vừa giúp vợ chồng khơi gợi lại kỷ niệm ngọt ngào của một thời yêu nhau, vừa giúp hai người cân bằng cảm xúc, tâm lý, giảm sự nóng nảy, cáu gắt. Hơn nữa, đó là chốn công cộng, đông người, nếu to tiếng, gây gỗ sẽ rất khó coi, nên dù nóng giận đến đâu thì khi vào quán cà phê, hai bên đều như được uống thuốc “hạ sốt”.

Để có một buổi cà phê vợ chồng thành công (vừa “giao lưu” tình cảm, vừa bàn được chuyện gia đình, tháo gỡ vướng mắc) người trong cuộc không nên  dùng cách áp đặt, mệnh lệnh và luôn cho rằng mình đúng, người kia sai. Cách hay nhất là “cuốn theo chiều gió”. Khi đề cập đến chuyện gì, nếu thấy vợ/chồng đồng tình thì tiếp tục, bị phản ứng cực đoan “em/anh thấy thế này không được, anh/em đã sai…” thì nên  dừng câu chuyện lại ngay, chuyển sang chủ đề khác, chờ buổi hẹn hò khác nói tiếp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Có như thế, những buổi cà phê vợ chồng mới luôn đạt hiệu quả cao.   

 
Theo PNO
Chia sẻ