Vợ ngoại tình, chồng bị thám tử tư tống tiền
Nghi ngờ vợ ngoại tình, anh chồng quyết định nhờ tới dịch vụ thám tử tư để điều tra nhưng kết quả cuối cùng thì không ai có thể ngờ tới được.
Ký hợp đồng qua điện thoại
Khởi nguồn của sự việc bắt đầu từ khi anh Trung thấy vợ mình thường xuyên có những biểu hiện bất thường. Do quá bận bịu với công việc cơ quan, anh quyết định thuê thám tử tư theo dõi vợ. Lượn qua một số trang quảng cáo trên mạng internet, anh Trung nhấc máy điện thoại gọi tới một văn phòng thám tử nằm trên khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Sau khi trao đổi qua điện thoại cũng như cung cấp mọi thông tin cần thiết, phía văn phòng thám tử đề nghị mức giá 2 triệu đồng cho công việc mà anh Trung đề nghị. Nhưng do thấy giá cả không hợp lý, anh Trung liền từ chối và yêu cầu không cần tìm hiểu nữa.
Bẵng đi một thời gian, đột nhiên anh Trung nhận được điện thoại từ phía văn phòng thám tử trên thông báo đã có đầy đủ thông tin và bắt anh phải thanh toán số tiền là 2 triệu đồng.
Do nghĩ là lời nói đùa anh Trung bèn cúp máy nhưng những ngày sau đó anh liên tục bị quấy rầy qua điện thoại. Mặc dù đã cố giải thích nhưng càng giải thích anh chỉ nhận lại được những lời chửi bới, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Không những thế một số người tự xưng là thám tử tư còn gọi điện “khủng bố” tới cơ quan nơi anh Trung đang làm việc. Hậu quả là anh Trung không những bị gọi lên giải trình sự việc trước công ty mà còn bị buộc thôi việc.
Trước sức ép từ phía những cuộc gọi như vậy, anh Trung lâm vào tình trạng hoảng loạn nhưng không dám báo công an vì sợ bên thám tử tư tìm đến làm hại gia đình mình.
Qua một số lời khuyên của bạn bè và các trung tâm tư vấn pháp luật anh Trung mới nhận thấy sự bất cẩn do không tìm hiểu rõ về bên văn phòng thám tử để rồi dẫn đến hậu quả là bị o ép, thậm chí là tống tiền.
Cẩn trọng trong việc chọn thám tử tư
Được biết trong danh mục lĩnh vực cấm đầu tư thì các dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thám tử tư và điều tra đều bị cấm do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.
Do đó việc quảng cáo ngành nghề không nằm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên chỉ cần gõ 3 chứ “thám tử tư” lên ô tìm kiếm trên mạng internet, chỉ trong vài giây người dùng sẽ nhận được hàng vạn kết quả. Có vô số những văn phòng thám tử để lựa chọn. Tuy nhiên để biết được địa chỉ nào thực sự uy tín và đáng tin cậy hay là những trung tâm lừa đảo thì không ai biết được.
Một số thám tử cảm thấy "tủi thân" do cái nghề chưa được pháp luật công nhận, tuy nhiên không thể phủ nhận việc ra đời các văn phòng thám tử đã giúp cho cơ quan công quyền giảm bớt được phần nào trọng trách. Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Qua liên hệ với một số văn phòng thám tử tại Sài Gòn, tìm hiểu về trường hợp của anh Trung thì được biết trong mọi trường hợp giao dịch với khách hàng thì việc ký, nhận hợp đồng qua tin nhắn và điện thoại là không có giá trị pháp lý.
Các trung tâm này cũng khẳng định chỉ khi giá cả được hai bên thông qua thì mới tiến hành làm hợp đồng và từ chối thực hiện các yêu cầu trái pháp luật. Những văn phòng này cũng khuyến cáo hiện nay có khá nhiều trung tâm lập ra lấy danh nghĩa là văn phòng thám tử nhưng thực ra chỉ hoạt động với mục đích thu thập thông tin để vòi vĩnh, tống tiền khách hàng.
Ở nước ngoài và đặc biệt là tại Mỹ, hầu hết đều có những quy định khá chặt chẽ về nghề thám tử tư. Tại Việt Nam, Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 52/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được tiến hành điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do cá nhân của tổ chức, cá nhân… tuy nhiên do xuất phát từ nhu cầu xã hội, những văn phòng thám tử vẫn mọc lên như nấm sau mưa.