“Vợ là người giúp đàn ông... cai sữa” – phát ngôn thấm thía của mẹ chồng tâm lý nhất năm
Một câu chuyện thực sự xúc động và ý nghĩa từ người mẹ chồng tâm lý nhất năm do nữ tác giả Tuệ Nhi chia sẻ, đã giúp mọi người thấm thía hơn về vai trò “giúp đàn ông cai sữa” của người vợ.
Từ xưa tới nay, người ta hay nhắc tới vợ với những vai trò là người giữ tổ ấm, người giữ lửa… trong gia đình. Nhưng ít ai nghĩ sâu xa rằng vợ còn giúp chính người đàn ông bên cạnh mình trưởng thành.
Một câu chuyện trong gia đình nhỏ, có mẹ chồng, hai vợ chồng cậu em trai do nữ tác giả nổi tiếng Tuệ Nhi chia sẻ, đã gần như chinh phục được người đọc ngay từ những dòng đầu tiên bởi sự thú vị và gần gũi. Một anh chàng 25 tuổi, lấy vợ chưa lâu nhưng đã lần lượt trải qua hết sự thay đổi này tới thay đổi khác, theo sự trưởng thành của mình. Từ một cậu ấm được chiều chuộng, sau khi có người yêu, lấy vợ và có con, dần biết suy nghĩ hơn, biết tự lo toan, chăm sóc cho tổ ấm của mình.
Từ câu chuyện nhỏ này, Tuệ Nhi cũng phân tích: mẹ là người đưa nôi nhưng chính vợ mới là người giúp đàn ông trưởng thành. Hay nói cách khác, vợ là người giúp chồng "cai sữa mẹ".
Nhân vật chính trong câu chuyện của Tuệ Nhi.
Nguyên văn bài viết gây sốt:
Sau khi em trai tôi cưới vợ, trong bữa cơm tối mẹ tôi đã nói với em dâu tôi thế này:
- Mẹ chỉ là người đẻ ra chồng con, nuôi nó đến ngày hôm qua là hết trách nhiệm. Còn nó từ giờ cho đến lúc già, trở thành người ra sao một phần do con định đoạt. Mẹ nuôi nó lớn nhưng đời mới dạy nó khôn và chính con mới là người giúp nó trưởng thành thực sự.
Quả thật mẹ tôi nói không sai chút nào, mẹ sống với em trai tôi 25 năm. 25 năm mỗi ngày đều cưng chiều bao bọc cho cậu ấy "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu", cơm canh có người nấu, quần áo có người giặt, tiền tiêu có người đưa. Bạn bè quen thân đủ loại, chén chú chén anh là quên giờ về. Tôi thấy người mẹ nào cũng thế, dạy con hết hơi, khuyên nhủ con cả đời. Nhưng cha mẹ sinh con trời sinh tính, thói quen khó bỏ, chỉ được mấy hôm đứa nào lười vẫn lười, bệ rạc vẫn bệ rạc, ham vui vẫn cứ ham vui. Thế nên mẹ tôi chỉ dám mong trong những ngày thanh xuân tươi trẻ này, em trai tôi chỉ cần là một người tử tế và yêu được một cô gái tử tế, thế là đủ.
Sẽ không có gì thay đổi cho đến khi em trai tôi biết yêu, biết đến một người phụ nữ thứ hai ngoài mẹ mình. Mà tôi thấy người phụ nữ thứ hai ấy còn uy lực hơn cả mẹ tôi nữa. Mọi thứ cô ấy đều chỉ cần điều khiển từ xa qua một cú điện thoại, một vài tin nhắn là em tôi đã răm rắp làm theo.
Từ bao giờ cậu ấy biết đặt chuông đồng hồ báo thức trong khi mấy ngày trước mặt trời đứng bóng mới chịu bình minh. Sáng thì ngược đường đưa bạn gái đi ăn sáng, trưa lại ngược nắng đón bạn gái tan ca. Quần áo mẹ không phải nhắc cũng tự động là lượt, sơ mi trắng giặt tay ngâm xả thơm phức. Hôm nào mà bạn gái hẹn đến nhà chơi là chúa ôi, 3 đầu sáu tay dọn dẹp từ ngoài ngõ lên đến sân thượng, tưng tửng còn mua cả hoa cắm trong phòng.
Yêu được một thời gian em trai tôi muốn cưới, mẹ tôi gật đầu cái rụp mặc dù vẫn than thở rằng:
- Đấy còng lưng nuôi được thằng con trai 25 năm, còn chưa đưa nổi cho mẹ đồng lương nào giờ lại phải bo thêm mấy chục triệu nữa cho nó lấy vợ. Ôi mình nuôi nó giờ nó đi nuôi gái, đẻ con giai đúng là lỗ nặng. Nhưng thôi ít nhất con bé đó đã làm được một việc mà mẹ bất lực trong suốt 25 năm qua là thay đổi được mày. Đúng người, đúng duyên, đúng nợ thì cưới, cưới xong mẹ "bế quan", chúng mày tự làm tự ăn!
Nói ra thì buồn cười, em dâu tôi kể: lúc mới yêu đang đi chơi thì xe hết xăng, em thì không mang ví, anh ấy moi hết 6 cái túi mới có 15 ngàn, vâng đi xe SH vào đổ xăng hẳn 15 ngàn, nhân viên bán xăng còn tưởng nói đùa. Sau bữa đó, anh ấy bắt đầu nhấc mông đi kiếm việc, tiền mẹ cho tiêu vặt không đủ đi trà sữa, son phấn thì không thể mua bằng lá đa. Cứ thế từng ngày biết lăn xả chỗ nọ chỗ kia theo người yêu mở tiệm buôn bán. Từng là một anh chàng tiêu tiền không nghĩ, em trai tôi đã biết tính lỗ lãi từng đồng. Rồi phơi mặt cháy nắng ngoài quốc lộ, vượt rừng vượt núi tìm đường mưu sinh...Đấy đúng là chỉ có thể vì gái vì yêu mà đàn ông mới biết "cai sữa" mẹ.
Rồi em dâu có bầu, nghén lên nghén xuống, vào bếp ngửi mùi nọ mùi kia là nôn xanh mặt mày. Mẹ tôi thì đi vắng, em trai tôi trở thành người đàn ông nội trợ. Sau hai mươi mấy năm, lần đầu tiên trong đời tôi thấy cậu ấy biết đi chợ mua rau về nấu canh. Và đó cũng là món canh thật đặc biệt: cà rốt + su hào + thịt lợn, tất cả bỏ vào nồi đun sôi. Tôi ăn cũng thấy cảm xúc thật khó tả. Hôm sau, cậu ấy còn gọi điện thoại cho mẹ, hỏi cách nấu cháo cá chép để tẩm bổ cho vợ như thế nào, ngày ngày 6 lượt rong xe từ nhà qua khoa sản. Rồi không ai cản cũng biết từ chối anh em bia bọt, biết mua thuốc bổ cho bà nội bà ngoại, biết nhang khói giỗ chạp tổ tông… biết làm những điều chưa bao giờ nghĩ đến.
Thiết nghĩ không chỉ riêng cậu ấy, mà những người đàn ông ngoài kia cũng vậy. Họ trưởng thành một phần lớn nhờ đi qua cuộc đời của những người phụ nữ. Nếu như mẹ là người bồng ẵm đưa nôi thì vợ chính là người khiến đàn ông lớn dần lên, bước chân vào đời và trải nghiệm cuộc sống thực sự. Đàn ông làm chồng mới biết bữa cơm gia đình quan trọng, làm cha mới thấu công lao khó nhọc của đấng sinh thành.
Họ như những con ve sầu vậy, cần có mùa hè để thoát xác. Ve sầu không thể kêu giữa mùa đông, đàn ông cũng không thể sống trong một nửa thế giới. Người phụ nữ chính là ánh mặt trời, là đời là nắng. Dù cái nắng ấy dịu dàng hay gay gắt, người vợ ấy tươi trẻ hay già nua, vì nghĩa phu thê, vì tháng năm cùng nhau kiên định đi qua mưa gió, cùng trời cuối bể, đàn ông đều phải biết yêu thương trân trọng vợ mình.
Không có phụ nữ đàn ông mãi mãi chỉ là một đứa trẻ, cho dù nước chảy đá mòn, thời thế đổi thay, chân lý này là bất biến!".