Vợ không biết "nhìn trước ngó sau"
Anh Vinh suýt không giữ được bình tĩnh khi nghe vợ anh cằn nhằn: "Bà trông cháu mà đầu óc cứ để đâu làm cháu ngã chảy cả máu mũi. Không trông được thì bảo ngay từ đầu cho xong".
Lúc đó, nhà anh đang có vợ chồng bác hàng xóm sang mời cưới.
Vẫn biết vợ xót con, lỗi tại bà nội trông cháu không cẩn thận nhưng giá vợ anh biết kiềm chế, đừng buông lời trách cứ mẹ chồng trước mặt người khác thì chuyện đã hay hơn. Hơn vợ 5 tuổi nên nhiều lúc, anh Vinh lựa lời khuyên nhủ để vợ biết “nhìn trước ngó sau” khi phát ngôn nhưng vợ anh vẫn thế.
“Vợ mình tốt, thương chồng thương con, chỉ tội ăn nói bộc trực quá. Bố mẹ mình hiền, biết sai thì nhận lỗi ngay nhưng vợ mình đừng vì thế mà nói sao cũng được. Mẹ mình bảo thôi đừng chấp vợ nhưng quả thực, không lẽ ly hôn vợ chỉ vì lời ăn tiếng nói sao?” – anh Vinh tâm sự.
Còn anh Phương (Tây Hồ, Hà Nội) cũng buồn vì vợ mình nết nào cũng tốt nhưng ứng xử trong gia đình chồng chưa được tinh tế.
“Sắp đến ngày sinh nở mà chúng tôi chưa thuê được người giúp việc, vợ chồng tôi đành nhờ tạm mẹ chồng. Chị gái tôi thấy thế giãy nảy lên phản đối. Chị bảo hồi trước chị sinh nở phải nghỉ việc để ở nhà giữ con vì sợ bà ngoại yếu quá. Đến giờ vợ tôi lại bắt mẹ chồng ‘hầu hạ’ thế là không được” – anh Phương kể.
Nghe đến thế, vợ anh Phương không vừa, cãi chị chồng “đôm đốp”, còn tuyên bố: “Con tôi đẻ ra, tôi nhờ ai trông là việc của tôi”. Từ đó, tình cảm chị chồng – em dâu rạn nứt sâu sắc. Anh Phương cho biết, giá như vợ anh bình tĩnh hơn, khéo léo phân tích để chị chồng không so đo, không sợ mẹ đẻ mình bị con dâu “hành” thì không khí gia đình không đến mức căng như dây đàn thế này.
“Vợ tôi lúc quét sân cũng kể xấu chị chồng với hàng xóm. Khi nghe điện thoại cũng lôi chuyện nhà chồng ra tâm tình với bạn bè. Bất kể nhà có khách lạ - khách quen cô ấy cũng phải phân bua chuyện đó với người ta” – anh Phương kể tiếp.
Cũng có lúc rơi vào tình cảnh khó xử vì vợ thiếu tâm lý là anh Hùng (Ba Đình, Hà Nội). Vợ chồng anh Hùng sống chung với gia đình em trai nhưng là cảnh “riêng mâm”. Gia đình chú em có cu Toàn bằng tuổi cu Sam nhà anh. “Thế mà vợ tôi đi đâu về cũng chỉ biết mua quà cho mỗi con trai, cháu nhà mình thì mặc kệ. Có lần, anh phát ngượng khi cả nhà ngồi quây quần, hai em bé tranh nhau quả chuối, còn vợ không ngại giằng co phần nhiều hơn cho con mình” – anh Hùng tâm sự.
Chuyện trẻ con chơi chung chí chóe với nhau cũng là thường. Vậy nhưng lúc nào vợ anh Hùng cũng “kè kè” bên con trai để bắt lỗi cháu mình. Bây giờ, anh Hùng thấy vợ chồng em trai có vẻ “cảnh giác”, không cho con trai chơi chung với con anh nữa. Không khí trong nhà không được thân thiện và thoải mái cũng vì vợ anh.
Để trở thành người vợ biết cư xử
Cư xử với nhà chồng thế nào cho phải không hề đơn giản. Bởi vì nếu đã sống chung thì không thể tránh được va chạm. Mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ đó và không phải xung đột nào cũng là lỗi của con dâu. Chẳng hạn, như tình huống của vợ anh Vinh và vợ anh Phương ở trên thì phải có nguyên nhân thì người vợ mới có phản ứng tiêu cực. Vì thế, người chồng tâm lý không thể ngay lập tức trách mắng vợ mà cần phân tích tình hình cụ thể. Từ đó có những cân nhắc và góp ý để người vợ thấy thoải mái nhất.
Về phía người vợ, khi chồng đã góp ý thì không nên cố chấp, nên biết tự xem xét bản thân mình. Tránh tâm lý tranh hơn – tranh thua hoặc sợ mình bị thua thiệt. Có nhiều tình huống nảy sinh trong thực tế có thể làm người vợ cáu giận, bực bội nhưng cách cư xử khéo sẽ không làm rạn nứt tình cảm với nhà chồng, không làm tăng thêm mâu thuẫn. Ngoài ra, người vợ cũng nên biết dung hòa, tránh xem trọng bên ngoại, yêu thương chồng con mình mà đối xử thiếu tinh tế với các thành viên nhà chồng.