Vợ hoang

,
Chia sẻ

“Thế em không để dành được đồng nào à? Vợ chồng mình lương đều cao...”, anh chồng vừa thất vọng vừa khổ sở hỏi lại vợ, vẫn “không tin được dù đó là sự thật”.

Cưới nhau được hai năm, tháng nào Thạch cũng đưa hết lương cho vợ. Vợ làm cho một công ty nước ngoài, chồng là phó phòng kinh doanh một công ty du lịch, vậy mà khi Thạch hỏi vợ đưa tiền để anh tham gia mua đất dự án do công ty bán ưu đãi, Thúy tròn mắt… ngạc nhiên: “Ủa, mình làm gì có tiền dư?”.

Đến lúc này thì Thạch cũng “mắt tròn mắt dẹt” nhìn Thúy: “Em có đùa không đấy?”. “Anh nói thế nghĩa là thế nào?”, cô vợ trẻ xinh đẹp sụ mặt. “Thế em không để dành được đồng nào à? Vợ chồng mình lương đều cao...”, anh chồng vừa thất vọng vừa khổ sở hỏi lại vợ, vẫn “không tin được dù đó là sự thật”. “Đành rằng lương cao, nhưng chi tiêu cũng nhiều. Biết bao nhiêu là khoản. Em cũng chỉ tiêu tốn cho hai vợ chồng mình chứ có mang tiền vứt đi đâu!”...

Lời qua tiếng lại, Thạch vò đầu bứt tai, vừa hiểu vừa... không hiểu nổi sao Thúy có thể vô tư và tiêu hoang đến thế.
 
 

Ngoại trừ vài thứ mua sắm cho gia đình như gối ôm cho sa lông, mấy bình hoa ngoại nhập, thay bộ rèm cửa xịn hay mấy chuyến vợ chồng đi nghỉ ở resort nọ kia là có thể “tính được” giá trị cụ thể, còn những khoản khác, khi nghe Thúy “trình bày” trong sự thổn thức, hậm hực vì bị chồng “nghi ngờ” tiền bạc không “phân minh”, Thạch muốn ù cả tai. Tiếng là mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập mấy chục triệu đồng, nhưng tiền điện thoại cả hai sử dụng vô tư thoải mái, internet miệt mài ngày đêm và tiền điện bật sáng, máy lạnh… quên tắt cả ngày khiến mỗi tháng cũng ngốn mất vài triệu. Tiền chợ thì không tốn kém bao nhiêu vì nhà chẳng mấy khi nấu nướng, nhưng “bù lại”, buổi trưa Thúy thường xuyên đi ăn với bạn bè, quán nào sang trọng, mới mở Thúy đều ghé qua. Đi bằng taxi cho mát, nên tiền ăn tốn bao nhiêu tiền taxi cũng tốn bấy nhiêu. Tối thì hai vợ chồng lúc cà phê, đi xem phim, lúc cùng bạn bè tụ tập nhà hàng này nọ nhậu nhẹt, sinh nhật, tân gia, bữa nào cũng tiền trăm, tiền triệu.

Rồi còn quần áo, giày dép, túi xách, đồ trang điểm của Thúy. Bây giờ Thạch mới nhớ Thúy hay khoe “em mới mua được đôi giày “độc” nè, có một đôi duy nhất thôi nhé, giá “khủng” lắm, anh tin được không?”, hỏi bao nhiêu mà “khủng”, Thúy cười tít: “Năm trăm đô mà giảm giá còn có hai trăm”. Tủ đồ của Thúy thì khỏi nói, váy áo lấn hết chín phần mười quần áo của chồng. Thỉnh thoảng Thạch có thắc mắc tí chút: “Sao em mua lắm thế, nước hoa cả đống, áo quần có cái anh chưa thấy em mặc bao giờ, mua lắm chật nhà mà phí tiền”. Những lúc đó Thúy dẩu môi nguýt chồng: “Thế anh muốn em xấu xí hay xinh đẹp, sành điệu hay nhà quê nào”. Vậy là Thạch “cho qua”.

Cả Thạch và Thúy đều lớn lên trong gia đình khá giả, khi lấy nhau đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ cho sẵn nhà cửa, xe cộ, chẳng thiếu thứ gì. Thúy cứ vô tư tiêu xài. Thạch cũng không “so đo”, tính toán với vợ. Hai vợ chồng thỉnh thoảng cùng đi mua sắm, anh nhất nhất nghe theo vợ, thích mua gì là mua, có khi mang về bỏ xó không dùng tới...

Hai vợ chồng “im lặng” chiến tranh lạnh vài ngày sau “vụ” hỏi tiền nong của Thạch. Cho đến hôm cô giúp việc đến lau nhà, quét dọn, kể: “Em làm cho tám nhà, mỗi nhà khoảng bốn, năm trăm nghìn, chồng em chạy xe ôm, tháng cũng kiếm được một hai triệu, hai vợ chồng có một đứa con nhỏ, mỗi tháng chi tiêu mọi thứ rồi em cũng để dành được gần nửa chỉ (!), phòng ngừa lúc ốm đau hay gửi về cho mẹ ở quê...”, Thúy mới vẩn vơ suy nghĩ. Chắc là cũng phải “tính lại” thôi.
 
Theo Huệ Hường
Thanh niên
 
Chia sẻ