Vợ hoàn hảo phải có "bằng" ngoại giao, kinh tế và... cave
Ở phòng khách phải có bằng ngoại giao, trong nhà bếp phải có bằng kinh tế và khi đã vào phòng ngủ thì phải như... cave. Những tấm bằng ấy để sai chỗ, gia đình sẽ không hạnh phúc.
Ngày tôi sắp lên xe hoa có một anh bạn cho tôi lời khuyên ấy. Lúc đó tôi đã đỏ mặt vì nghĩ mình vẫn là trẻ con, ông này nói tầm bậy. Nhưng nay ngẫm lại rất đúng các chị ạ. Để đạt được ba bằng đó là cả một nghệ thuật. Ngoài xã hội các chị có là bà này, bà nọ và nhiều bằng cấp… nhưng về nhà vẫn là người vợ, người mẹ hiền, đảm đang trước mặt chồng và các con.
Ngày nay xã hội tiên tiến, thu nhập khá hơn nên phụ nữ được giải phóng thoát khỏi nội trợ, vô hình chung đẩy các chị mất ngay cái bằng kinh tế trong nhà bếp vào tay ôsin. Còn lại bằng ngoại giao thì nhiều chị tưởng mình đạt được, nhưng khi khách của chồng và gia đình đến chơi bao giờ họ cũng được tiếp những ly nước mát, đĩa trái cây ngon lành… do chính tay ôsin làm ra (có khi lại vắng mặt bà chủ vì bận việc). Khách chỉ có chồng và ôsin tiếp, bằng ngoại giao coi như chưa đạt. Còn tấm bằng trong phòng ngủ các chị không đạt được thì chính các chị đã đẩy chồng mình ngoại tình.
Bằng trong phòng ngủ
Chị em chúng tôi chỉ trả bài khi các anh gọi lên bảng có khi chỉ đạt trung bình, trong khi đó các anh muốn chị em chúng tôi xung phong lên trả bài và đạt điểm giỏi. Thử hỏi mấy cave chỉ mỗi việc phục vụ nhẹ nhàng, vuốt ve các ông đạt tới khoái cảm thì làm sao các ông không thích. Họ không phải vất vả cả một ngày lao động cực nhọc như chị em chúng tôi.
Nhưng các chị em lưu ý, tấm bằng này phải để đúng chỗ (phòng ngủ và dành cho chồng mình thôi) nếu để nhầm sang phòng khác coi như các chị mất hết, gián tiếp đẩy chồng đến ghen tuông, lúc đó tự các chị gánh chịu hậu quả. Để có được tấm bằng chứng tỏ đẳng cấp trong phong ngủ này chả mất gì mà được nhiều hơn đấy.
Bằng ngoại giao
Tôi thấy tối nào “kiểm tra” đạt điểm tốt (tức tấm bằng trong phòng ngủ ấy) là sáng hôm sau anh vui vẻ làm hết mọi thứ cho tôi ngủ thêm một tý và chuẩn bị ăn sáng rất chu đáo để sẵn bồi dưỡng cho tôi, sau đó đưa con đi học. Tôi cũng chỉ có hai con trai nhưng các cháu và anh ấy đều biết là “ngày đèn đỏ” mẹ mệt và hay buồn ngủ, làm thêm công việc nhà để mẹ được nghỉ ngơi. Nghệ thuật ở đây là chị em mình phải biết nhờ mà đừng sai: “Anh ơi làm hộ em cái này với”. Sau đấy hãy dí dỏm nói lời cám ơn anh, kể cả các con những công việc đã làm giúp chúng ta.
Còn nữa, đàn ông họ rất chú trọng đến công việc và gia đình (ý tôi muốn nói là gia đình bên nội). Các chị mà đối nội, đối ngoại không khéo là mình bị tước mất quyền làm chủ và đương nhiên bằng thứ nhất (ngoại giao) không đạt. Tôi học chị gái là trước khi cưới tôi đề nghị với anh “em sẽ không tiếc một thứ gì khi có điều kiện. Với gia đình bên anh, anh muốn cho cái gì cứ đem về đây tự em gửi biếu ông bà nội và các anh chị em của anh, sẽ có ý nghĩa hơn là anh cho dấm dúi. Ngược lại gia đình em cũng thế”.
Đừng bớt xén sẽ mất lòng tin, cũng đừng cằn nhằn vì mình đã được tiếng thơm, còn hơn để anh ấy dấm dúi cho lại mang tiếng ác cho mình. Hãy tâm niệm “Xởi lởi trời cho, bo bo trời thu lại”. Sau bao năm mấy chị em gái tôi được sự tin yêu nơi chồng và cả gia đình chồng. Mặc dù bố mẹ anh biết là của con họ làm ra nhưng không phải là của chồng công vợ hay sao? Lại được gia đình chồng thương yêu và tôn trọng. Nhiều chị cứ trách gia đình bên nội không lo toan giúp đỡ, nhưng thử hỏi đã làm tròn trách nhiệm dâu con chưa?
Bằng kinh tế
Kinh nghiệm ở gia đình tôi sau gần 20 năm rất nhiều sóng gió nhưng vợ chồng vẫn hạnh phúc. Đừng tiếc tiền mà không thuê ôsin, ôm hết việc thì rất mệt, tiền đó chữa bệnh rồi cũng hết. Hãy phân công việc cho các con, lớn, bé tùy theo sức của các cháu. Đừng ngại, các cháu làm được hết đấy, chỉ cần tập vài lần là vào nề nếp ngay.
Làm gì cũng phải có kế hoạch. Tiền vợ chồng làm ra phải dành chi phí cho gia đình, đầu tư cho con ăn học, và tiết kiệm đầu tư sinh lãi. Tôi muốn nói tiết kiệm ở đây là chi phí gia đình, ông bà có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đi chợ nên đi thật sớm (kết hợp tập thể dục luôn) mới mua được đồ ngon và rẻ từ người đầu mối sản xuất làm ra, chứ để vào sạp, siêu thị thì họ chế biến đủ kiểu.
Tôi hay đùa “chỉ chọn món nào ngon, bổ, rẻ mới mua”. Ngày 3 bữa ăn tiền chợ tiết kiệm cũng không ít đâu. Đầu tư cho con ăn học phải kiểm tra và liên lạc với giáo viên, trường lớp mới biết đầu tư có đạt kết quả không, cứ bỏ tiền mà con học không có kết quả là coi như mất khoản tiền tiết kiệm đấy. Khi nhà có việc mà không có tiền cực lắm. Đặc biệt là chính chúng ta phải làm để có thu nhập không dựa vào chồng mà nếu thu nhập cao hơn cũng nên tế nhị đừng khoe tránh chuyện xúc phạm nhau. Tấm bằng kinh tết này nếu không đạt thì chuyện đổ vỡ hạnh phúc gia đình cũng là điều khó tránh khỏi.