Vợ chồng xưng hô mày tao: Khi nào thì "được phép"?
Cách xưng hô là một cách thể hiện tình cảm trong cuộc sống vợ chồng. Vợ chồng xưng hô mày tao đôi khi lại đẩy hạnh phúc gia đình đến sự rạn nứt, tan vỡ.
Rạn nứt vì vợ chồng xưng hô mày tao
Cách xưng hô vợ chồng với nhau như thế nào trong cuộc sống gia đình từ xưa cho đến nay chẳng có quy chuẩn nào. Chính vì vậy mà danh từ xưng hô cũng vô cùng phong phú.
Có cặp vợ chồng thì gọi anh xưng em, ngược lại có những cặp lại xưng là “mình” gọi “ông xã, bà xã” và “cậu và tớ” cho thân mật. Thậm chí có những cặp vợ chồng gọi tắt là “bố” với “mẹ” khi không sống cùng ông bà, rồi xưng mày tao; có người vợ gọi chồng là “bố thằng cu” hoặc tên con là gì thường gắn thêm ở câu gọi…
Song có một điều dễ nhận thấy là cách xưng hô vợ chồng ảnh hưởng lớn đến tình cảm, hạnh phúc của vợ chồng. Đã có những cặp vợ chồng vì cách xưng hô thô thiển, suồng sã lại đẩy đến những mâu thuẫn nho nhỏ.
Như cặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên (Hà Nội), tình cảm vợ chồng rạn nứt chỉ vì cách xưng hô mày tao của anh chồng. Chả là gần đến năm học mới, chị sốt sắng tìm hiểu trường lớp cho con. Nhiều lần chị cũng nói chuyện với mẹ chồng về việc sẽ cho cháu đến trường vào năm học mới nhưng cả bố mẹ chồng và chồng nhất quyết không cho con đi học mà muốn để con ở nhà.
Tức quá, chị nói lại một câu thì mẹ chồng la toáng lên nói con dâu mất nết. Nghe vậy chồng chị từ trong phòng bước ra quát tháo và nói “mày biến ra khỏi nhà tao ngay".
Chị đứng hình khi nghe chồng xưng mày – tao với vợ. Sau lần đó, cứ hễ vợ chồng va chạm nhỏ, mở miệng ra là anh lại mày – tao với vợ. “Thường ngày vợ chồng xưng hô rất tình cảm “anh anh, em em”, nhưng từ khi nghe tiếng “mày tao” khiến mình bị xúc phạm, thiếu tôn trọng ghê gớm. Hai vợ chồng vì vậy mà cãi nhau nhiều hơn. Mỗi lần cãi nhau anh lại tiếp tục tung ra những lời lẽ như thế khiến mình cảm tưởng tình nghĩa vợ chồng không còn gì nữa” – chị Liên tâm sự.
Vì bất cứ lý do gì vợ chồng xưng hô mày tao là không nên. Ảnh minh họa
Cảm thấy bị coi thường khi bị xưng mày - tao
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nhiều người vẫn “ngụy biện” vợ chồng quan trọng là ăn ở với nhau thế nào chứ không quan trọng trong cách xưng hô. Ngôn ngữ tuy là cái vỏ, tình cảm mới là cốt lõi nhưng không phải muốn gọi thế nào cũng được.
Cách xưng hô là một cách thể hiện tình cảm trong cuộc sống vợ chồng. Nó thể hiện nếp văn hóa, mức độ hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Qua cách xưng hô có thể thấy rõ sắc thái, tình cảm vợ chồng như yêu thương, giận dỗi hay xung đột.
Khi xưng hô anh – em sẽ thấy vợ chồng tình cảm hơn rất nhiều. Cũng như khi một anh chàng nào muốn tán tỉnh một cô gái cũng sẽ xưng hô “anh anh - em em” ngọt xớt, chứ chẳng ai nói mày - tao.
Vợ chồng có bằng tuổi hay chồng có kém vợ đến dăm bảy tuổi hoặc chồng hơn vợ vài ba chục tuổi cũng nên xưng hô tôn trọng nhau.
Vợ chồng xưng hô mày tao khi nào thì “được phép”, theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, cho dù ngay cả khi cãi nhau vì bất cứ lý do gì và ai đúng, ai sai thì vợ chồng cũng không nên xưng hô “mày – tao” với nhau.
Cách xưng hô mày tao sẽ khiến cả hai cảm thấy mình bị coi thường, không được tôn trọng, yêu thương và đôi khi chính điều này lại làm cho mâu thuẫn bị đẩy lên cao. Và ngay cả khi hai vợ chồng chấn tĩnh lại có cố gắng thế nào cũng khó xóa mờ sự tổn thương do câu xưng hô kia gây ra.
Điều này cũng dễ trở thành thói quen khi đã có thể nói một lần, hai lần... và cứ như vậy sẽ khiến vợ chồng trở nên coi thường nhau thực sự. Thể hiện sự tôn trọng nhau trong cách xưng hô chính là nguyên tắc để tránh xung đột kéo dài.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, mỗi cặp vợ chồng nên cân nhắc thật kỹ cách xưng hô sao cho thân mật, cả hai đều dễ chịu là được. Nhưng dù xưng hô cách nào, các cặp vợ chồng cũng nên nhớ rằng một nửa còn lại chỉ muốn được nghe những cách gọi dịu dàng, tình cảm vì họ cảm giác được yêu thương, quan tâm và tôn trọng.
Một chuyên gia khác (xin giấu tên) lại cho rằng, vợ chồng xưng mày tao cũng được, nhưng phải đúng hoàn cảnh. Ví dụ như lúc vui đùa với nhau, hoặc lúc làm... chuyện ấy!