Vợ chồng thầy giáo và hành trình tìm tiếng nói cho con
Dù mắc bệnh suy thận giai đoạn 2 nhưng thầy Chiến vẫn không nghỉ dạy vì tất cả chi phí chữa trị cho hai bố con trông chờ cả vào đồng lương giáo viên ít ỏi của hai thầy cô.
Gia đình nhỏ này đang phải ngày đêm chiến đấu với bệnh tật để tồn tại. Người phụ nữ duy nhất trong nhà phải gồng mình làm chỗ dựa tinh thần cho người chồng mắc bệnh hiểm nghèo và đứa con trai nhỏ tật nguyền.
Nhưng với vợ chồng cô để có được đứa con không dễ, họ đã phải chạy chữa khắp nơi, tìm thầy lấy thuốc... Năm 2004, cô mới có tin vui. “Ngày bác sỹ báo tin cô đang có thai là ngày hạnh phúc nhất của cô thầy nhưng số phận sao khắc nghiệt với cô đến vậy. Có thai cháu được 2 tháng thì cô bị sốt. Bác sỹ bảo cô bị sốt Rubella, xác suất để thai nhi phát triển bình thường chỉ có 10%. Trong lo sợ cô vẫn hi vọng con mình nằm trong số 10% ít ỏi đó. Đầu năm 2005, bé Lê Anh Khôi ra đời. Nhìn bé bụ bẫm, xinh như thiên thần cô thầm cảm ơn trời đã phù hộ”, cô Thơ nhớ lại.
Cháu Khôi lớn lên trong sự chăm sóc, thương yêu của cả gia đình. Đến 2 tuổi nhưng cháu Khôi vẫn chưa nói được một tiếng tròn trịa. Nhiều người bảo có những đứa trẻ chậm nói, vợ chồng cô lại hy vọng cháu nằm trong số những đứa trẻ ấy.
Sau đó, cháu Khôi được khám và đo thính lực lần nữa. Lần này cô hi vọng lắm, nhưng rồi cũng vụt tắt khi các bác sỹ bảo: “Cháu bị điếc bẩm sinh tai trái, tai phải điếc 80%. Vì tai phải vẫn có 20% sức nghe nên phương pháp duy nhất là đeo máy trợ thính cho cháu”. Trong thời gian này thầy Lê Anh Chiến phát hiện bị bệnh thận đa nang và suy thận độ 2. “Không hiểu vợ chồng cô đã sai ở đâu mà ông trời lại bất công với gia đình cô đến vậy”, nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã xạm vì lo lắng của cô.
Vay mượn đủ để mua cho Khôi được máy trợ thính trị giá 15 triệu, cả nhà lên đường về Nghệ An. Nhưng mang máy cả năm mà Khôi vẫn không thấy có tiến triển gì. Còn 20% nghĩa là vẫn còn hi vọng Khôi có thể nghe được. Vợ chồng cô gọi điện đi hỏi khắp nơi và được người mách bảo Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TPHCM có thể phẫu thuật gắn ốc tai điện tử. Nhưng giá cho một ca phẫu thuật này khoảng 250 triệu.
Khấp khởi hi vọng, vợ chồng cô vay mượn từ anh em, bạn bè được 300 triệu và đưa cháu Khôi vào TPHCM để chữa trị cho con mong có phép mầu làm cho con sống lại thính giác. Tại đây, các bác sỹ cũng kết luận Khôi bị điếc bẩm sinh, chỉ định phẫu thuật. Chi phí cho việc cấy Sốc tai điện tử là…26.000 USD cho một bên tai (cả hai tai là 52.000 USD). Nhưng với ngần ấy số tiền thì vợ chồng cô lấy đâu ra, bán cả nhà cũng chẳng đủ.
Thất vọng và cảm giác mang tội khi mình sinh ra con không lành lặn, thầy Chiến chia sẻ hoàn cảnh của Khôi lên diễn đàn Cha mẹ tài năng và chờ đợi phép màu sẽ xảy ra.Trong lúc tưởng như tất cả các cánh cửa hi vọng đều đóng sập trước mắt, thì cô Thơ được bác sỹ cho biết cháu Khôi có thể nói được nếu như có chuyên gia giúp đỡ. Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng Thừa Thiên Huế có thể dạy miễn phí cho cháu. Điều trị ở Huế được 2 tuần thì hay tin bài viết của thầy Chiến trên diễn đàn Cha mẹ tài năng đã đạt giải. Giải thưởng là 2 tháng học nói miễn phí tại trường Mầm non đặc biệt Myoko (Hà Nội).
Thế là hai mẹ con cô lại khăn gói ra Hà Nội. Nhờ sự hướng dẫn cho các chuyên gia nên Khôi đã nói được những từ đơn giản mặc dù còn chưa thật rõ. Học nói ở Hà Nội mới được 3 tuần thì cô nhận được quyết định thuyên chuyển công tác đến trường THPT Nguyễn Trường Tộ, cách TP Vinh gần 20km. Cô Thơ ấm ức: “Lúc nhận được quyết định thuyên chuyển công tác thì cháu Anh Nhân (đứa con thứ hai-PV) mới hơn 1 tuổi. Cô và Khôi tức tốc bắt xe về Vinh để hỏi nhưng thầy hiệu trưởng vẫn giữ nguyên quyết định chuyển cô đến trường THPT Nguyễn Trường Tộ mà không có lí do rõ ràng”.
Hiện nay gia đình cô đang đối mặt với khó khăn sau 3 lần chữa trị thận cho chồng, những lần đưa cháu Khôi đi tìm tiếng nói. Mặc dù mang trong mình bệnh suy thận giai đoạn 2 nhưng thầy Chiến vẫn không nghỉ dạy bởi vì tất cả chi phí chữa trị cho hai bố con chỉ còn trong chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của hai thầy cô.