Vợ chồng hục hặc chỉ vì cái tắc đường

,
Chia sẻ

Chỉ đến khi vợ lăn ra ốm, anh mới dỗ dành bảo: Lỗi tại ải, tại ai, chắc tại cái cầu với con đường em nhỉ. Từ mai chồng lại chở vợ đi làm nhé.

Vợ chồng giận nhau, cãi cọ vì trăm ngàn lý do, nhưng thủ phạm gây ra chiến tranh lạnh lần này của các gia đình lại là tắc đường.

Người nhàn mát, kẻ "hành xác" trên đường

Ngày nào cũng vậy, chị Thu phải dắt xe đi làm từ 7h. Đường Trường Chinh nhà chị hôm nào cũng diễn ra cảnh ùn tắc. Người xe đông như nêm côi, nếu không đi sớm thì chỉ còn cảnh chịu trận hít khói bụi xăng xe. Chỉ thương thằng cu con, bị mẹ lôi dậy từ 6h, vừa ăn sáng vừa ngáp ngủ rồi theo mẹ đi cho kịp giờ học.

Nếu chị vội bao nhiêu thì anh Cường chồng chị lại nhàn tản đón xe tuyến của công ty từ 6h30 sáng, chiều 5h có mặt ở nhà. Chẳng mấy khi anh phải hứng chịu cảnh người ngắm người cùng cười trừ chờ qua giờ cao điểm.

Đưa con đi học, trên đường đến cơ quan chị tranh thủ chạy qua chợ mua ít đồ gửi nhờ bếp ăn cơ quan để chiều về còn kịp giờ đón con. Hôm nào cũng vội vội vàng vàng, nhưng không ít lần chị đến muộn bị sếp nhắc nhở, thậm chí là trừ lương thưởng, cắt  thi đua.

Thời gian với chị quý từng giây, công việc thì nhiều nên hôm nào chị cũng phải ôm về nhà làm, không ở lại làm thêm được. Đường thì đông, người xe thúc nhau trong tiếng còi inh ỏi, khiến hai mẹ con chị về đến nhà mệt bã người nhưng điều khiến chị mệt hơn là cảnh ông xã đang ung dung nằm trên giường vắt chân chữ ngũ, đọc báo, xem ti vi chờ vợ về …nấu cơm.



Đường thì đông, người xe thúc nhau trong tiếng còi inh ỏi (ảnh minh họa từ internet)

Mấy lần nhắc khéo anh về việc đặt hộ vợ nồi cơm, anh thủng thẳng bảo: Việc đó là việc của phụ nữ, mà bữa cơm thì có nặng nhọc gì đâu. Chị ức chế nhưng cũng không muốn đôi co thêm câu nào. Chị nghĩ thầm, anh ngày nào cũng xe đưa, xe đón, có phải ngày hai buổi hành xác như vợ đâu mà hiểu hết mọi nỗi của chị.

Để chứng minh cho anh thấy việc đi lại khổ sở thế nào, có hôm chị đưa con đi muộn hơn 10 phút, kết quả cả hai mẹ con gần 8h30 mới đến nơi, vừa mệt vừa bực mình. Chiều về lại hì hụi cơm nước, mệt bã cả người mà không nhận được sự cảm thông nơi chồng, lâu dần chị lạnh nhạt với anh, không chuyện trò, tâm sự. Giữa hai vợ chồng cứ có một khoảng cách mà chính chị cũng không muốn xích gần lại.

"Cô có lái xe đâu mà biết mỏi mệt thế nào"?

Từ hồi yêu nhau đến cưới nhau, đi đâu chị Tuyết và anh Hòa cũng như đôi sam gắn bó không rời nửa bước. Nhà thì tận bên Long Biên, chị làm ngay trên đường Lê Thánh Tông còn anh tít Đại học Kiến trúc dưới Hà Đông, thế nhưng sáng nào hai vợ chồng cũng sáng đưa đi, tối đón về.

Hồi yêu nhau, thi thoảng anh cũng bỏ chị ở nhà đi bù khú với bạn bè. Cưới nhau rồi, cái tật ham nhậu của anh phát huy hết mức tối đa, nhiều khi anh ham chén chú chén anh mà quên cả giờ đón vợ. Đứa con đầu lòng ra đời khiến quỹ thời gian của hai vợ chồng càng eo hẹp, lúc nào chị cũng chỉ muốn nhanh chóng về với con trong khi anh còn muốn giao tế với bạn bè.

Đoạn đường đi làm và về nhà bỗng như dài ra hơn bởi sự bực bội vì đường qua cầu đông đúc và sự ức chế mỗi khi anh đón muộn. Lần thi đường đông không thể đi nhanh, lần thì do bạn mời ”hai, ba” cốc nên trễ giờ. Nhưng đúng là đoạn đường anh đi từ cơ quan mình về cơ quan chị hôm nào cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ vì giờ cao điểm nên không thể đi nhanh được. Vì xót con nhỏ ở nhà nên mỗi lần anh đến lần nào chị cũng cằn nhằn, bất kể lý do anh đưa ra đúng hay sai.


Gian nan đường mẹ đưa con đến trường. (Ảnh minh họa từ internet).

Có lần tan sở, chưa thấy anh đến đón, chị réo điện thoại đến năm, bẩy lần mà không thấy anh nhấc máy. Bực bội chị bắt xe ôm về nhà, vừa ôm con vừa ôm cục tức đợi chồng về xả cho một trận. Trong cơn mệt mỏi và hơi men choáng váng, anh cũng to tiếng quát lại: "Từ mai cô tự đi đi cho tôi nhờ, thế để cô biết người cầm lái mỏi mệt thế nào".

Chị cũng tự ái, hôm sau tự bắt xe buýt đi làm, nhưng vì bị say xe nên mới có mấy ngày được chen chúc trên xe buýt chị mệt lử, xanh rớt, đến cơ quan thì không làm được gì, về nhà thì con quấy khóc, chồng giận lầm lũi quay mặt vào tường. Không khí gia đình nặng nề, khó chịu khiến chị lăn ra ốm.

Hết giận rồi thương

Chị Thu phải đi công tác phía Nam hai tuần, điều khiến chị lo lắng nhất là việc thằng cu con ở nhà ăn học thế nào. Chồng chị bảo, chả có gì mà lo, em cứ đi đi. Từ mai anh sẽ đưa đón con, đảm bảo sau hai tuần em về, không ổn hơn mới là lạ.

Chị đi rồi mà cứ thắc thỏm không yên tâm.

Sáng đầu tiên, 6h anh vần mãi thằng cu mới chịu dậy. Mua cho nó bát phở nó gẩy gẩy mấy sợi rồi thôi. Anh tặc lưỡi, thôi đến lớp nó ăn, chiều về ăn bù. Hai bố con hết quên cái nọ, lại cái kia nên hơn bảy rưỡi mới dắt xe đi và dính luôn phải “đòn” tắc đường. Con đến trường đã muộn nhưng anh còn bị lỡ buổi họp giao ban vào lúc 8 giờ sáng. Ông sếp người nước ngoài nhìn anh bằng con mắt ngạc nhiên: Đến muộn?

Đưa con đi học, đón con, về nấu cơm, dạy con học lúc này anh mới thấm thía sự vất vả của vợ mình, nhất là những buổi nhích từng mét trên đường, nghe còi xe đến ù cả tai. Nhà cửa, con cái từ trước đến nay vợ lo hết. Nay vợ vắng nhà, cờ đến tay anh nhưng phất mãi không được, mọi thứ cứ đảo lộn tùng xèo.

Anh tự bảo, hôm nào vợ về phải tặng vợ một món quà gì đó để làm lành, xóa đi khoảng cách bấy lâu giữa hai người.

Còn anh Hòa sau mấy buổi để vợ đi xe buýt đi làm cũng xót ruột lắm nhưng tự ái đàn ông khiến anh cứ “kệ”. Thương vợ trong lòng anh cũng cố về nhà thật sớm, không la cà quán xá với bạn bè nữa.

Chỉ đến khi vợ lăn ra ốm, anh mới dỗ dành bảo: Lỗi tại ải, tại ai, chắc tại cái cầu với con đường em nhỉ. Từ mai chồng lại chở vợ đi làm nhé. Chị ngân ngấn nước mắt bảo, thôi đi mua thêm một xe nữa để em chủ động đi, về cho anh đỡ vất vả.

Theo Eva

Chia sẻ