Vợ chồng cãi nhau sẽ... sống thọ hơn

,
Chia sẻ

Tranh cãi vợ chồng là điều thường xảy ra trong mọi gia đình. Không ai có thể yêu liên tục, thỉnh thoảng phải giải lao, đó là những lúc cãi nhau.

Số liệu thống kê cho thấy, những cặp vợ chồng có cãi nhau vặt ít nhất mỗi tuần một vài lần chiếm tới ¾ số gia đình sống ở thành phố. Nghiên cứu cho thấy hầu hết những người vợ bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” bao giờ cũng bắt đầu bằng đấu khẩu. Các nhà xã hội học Mỹ còn cho biết, hàng năm ở đất nước này có khoảng 1 triệu phụ nữ bị chồng đánh đập, cứ hai gia đình Mỹ thì có một gia đình từng có chuyện đánh nhau. Và trung bình cứ 5 gia đình thì có một gia đình mà vợ bị đánh từ 5 lần trở lên. Ở nước ta, một bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, hàng năm số phụ nữ phải vào viện vì bị chồng đánh không dưới vài trăm người.

Nguyên nhân xung đột vợ chồng

Theo luật sư Bessi Hamberger, ở Mỹ chỉ có độ 10% các vụ xung đột vợ chồng có nguyên nhân do tiền hay ngoại tình dẫn đến bi kịch, còn 90% là do những nguyên nhân không đâu vào đâu. Thậm chí sau khi tan cuộc cãi vã, người ta còn không nhớ nổi lý do vì sao mình cãi nhau. Theo giáo sư De Besse của Pháp thì nguồn gốc xung đột vợ chồng thường bắt nguồn từ hai tính xấu khác nhau: tình nói dai của các bà vợ và tính hiếu thắng của các ông chồng. Theo ông, phụ nữ lắm điều vì khả năng quản lý gia đình của họ tốt hơn, họ thường không bằng lòng với tính làm ẩu và bừa bãi của chồng con. Trái lại, đàn ông lúc nào cũng muốn hơn vợ về mọi mặt, ngay cả khi họ sai, họ vẫn cố chứng minh là mình đúng. Không thắng được bằng đấu khẩu thì chuyển sang nói chuyện bằng chân tay.
 
Xung đột là điều tất yếu, điều quan trọng nhất lại là cách mà vợ chồng giải quyết nó.

Nghệ thuật “cơm sôi nhỏ lửa”

Khảo sát cho thấy, trong hôn nhân hiện đại, vợ chồng hoà thuận đến mấy cũng có cãi nhau. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng nếu vợ chồng mà không bao giờ bất đồng về điều gì đó có thể lại còn không tốt. Cho nên, nếu chúng ta biết rằng, xung đột vợ chồng là điều không tránh khỏi, nhất là trong những năm đầu chung sống (vì lúc ấy hai bên chưa phân thắng bại) thì không còn cách nào khác là phải chấp nhận nó. Một cuộc khảo sát trên các cặp vợ chồng cho thấy, những người kìm nén tức giận khi xung đột thì chết sớm hơn những cặp bày tỏ sự phẫn nộ. Trong nghiên cứu mới đây kéo dài 17 năm, các tác giả đã theo dõi 192 cặp vợ chồng có tuổi từ 35 đến 69. Dựa trên phản ứng tức giận của người tham gia với các tình huống giả định, Harburg chia các cặp vợ chồng thành 4 nhóm: Cả hai vợ chồng cũng bộc lộ sự giận dữ; người vợ bộc lộ cáu giận; người chồng bộc lộ cáu giận còn người kia kìm nén; và cả hai người cùng chôn chặt nỗi bất bình của mình. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy có 26 cặp vợ chồng mà cả hai người đều kìm nén tức giận trong lòng. 25% số họ (một hoặc cả hai vợ chồng) chết trong giai đoạn nghiên cứu, so với chỉ 12% của các cặp còn lại. Vì thế mặc dù mâu thuẫn là điều tất yếu, song điều quan trọng nhất lại là cách mà các cặp giải quyết nó.

Vấn đề là phải cãi nhau như thế nào để không làm rạn nứt hạnh phúc gia đình? Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà – chuyên gia về lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì có hai cách để “tháo van an toàn” cho các cuộc đấu khẩu vợ chồng”

Một là, bắt đầu cãi nhau vì cái gì thì chỉ bó hẹp trong phạm vi cái đó, không để ‘ngọn lửa chiến tranh” lan rộng. Không nên đề cập đến những việc xảy ra đã lâu và không mở rộng đến việc bình luận bố mẹ hai bên. Không nên nhận xét thái độ của nhau một cách phỉ báng. Ví dụ: “Anh bỏ ngay cái lối nói năng vô văn hoá ấy đi!”, hoặc “Nhìn vào gương xem cái mặt nhăn lại có giống khỉ không?”.

Hai là, luôn nhớ rằng đây là “cuộc tranh cãi” trong gia đình nên không dùng những từ ngữ độc địa có tính chất lăng mạ nhau. Vì như thế khi kết thúc, những vết thương ấy không lành được. Đặc biệt không động vào những điểm yếu của nhau, vì chỉ động nhẹ vào cũng có thể làm đối phương giãy nảy lên và đánh trả bằng bất cứ vũ khí nào có trong tay. Một nhà tâm lý nhận xét: “Những kẻ nói với ta bằng những lời cay độc nhất lại chính là người thân của ta”. Bởi chỉ có người thân mới biết rõ điểm yếu của mình.

Ba là, không nên vội vã đưa ra quyết định gì trong khi cãi nhau. Bởi vì mọi quyết định trong khi tức giận đều không chuẩn xác. Ví dụ quyết định đập tivi cho trẻ con khỏi xem hay quyết định viết đơn ly hôn và ký luôn. Có khi những quyết định vội vã, sai lầm mà sau khi đã bình tĩnh mới hối tiếc hoặc sửa lại rất... ngượng.

Biết tha thứ và chủ động làm lành

Người ta nhận thấy sau mỗi cuộc chiến tranh, nước nào thắng thường tỏ ra độ lượng. Nếu vậy, sau cuộc xung đột vợ chồng, người thắng thường hay tha thứ và làm lành, nhưng người thua lại thường hay cố chấp. Bởi vậy, ta không nên ngại làm lành, kể cả xin lỗi. Vì nhất định trong cuộc xung đột, cả hai đều có cái sai.

Tranh cãi vợ chồng là điều thường xảy ra trong mọi gia đình. Không ai có thể yêu liên tục, thỉnh thoảng phải giải lao, đó là những lúc cãi nhau. Vì vậy, nên cãi nhau như thế nào để sau đó có thể yêu tiếp được chứ không đến nỗi anh đi đường anh, tôi đi đường tôi.
 
Hải Anh
Tổng hợp
Chia sẻ