Vợ bị bắt cóc, chồng liền lập tức xoay tiền chuộc nhưng nhận ra nhiều điều bất thường, cảnh sát vào cuộc mới phát hiện sự thật đau lòng
Người vợ dựng lên vụ án bắt cóc, yêu cầu chồng phải trả một số tiền lớn. Vụ việc phản ánh thực tại khó khăn và bất lực của một số gia đình khi đối mặt với vấn đề tiền bạc.
Nhân vật chính trong vụ việc là gia đình ông Lưu, sinh sống tại Đồng Lăng, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Một ngày nọ, ông Lưu trở về nhà sau giờ làm việc thì vợ ông đã không có ở nhà. Đến khoảng 8h tối, ông nhận được một tin nhắn nặc danh: “Vợ ông đã bị chúng tôi bắt cóc, muốn cứu thì mang 200 nghìn NDT (hơn 650 triệu VND) đến chuộc, không thì ông sẽ thấy hậu quả”. Ban đầu ông cho rằng đây là một vở kịch lừa đảo, nhưng ngay sau đó ông biết đây là một vụ việc rất nghiêm trọng và ông cần chuyển tiền vào tài khoản đã chỉ định để cứu vợ.
Nhưng phải lấy tiền ở đâu đây? Ông cố kéo dài thời gian và nghĩ về mọi cách để cứu vợ. Càng suy nghĩ ông càng nhận ra nhiều điều không hợp lý, bọn bắt cóc không có sự bạo dạn, táo tợn khi đối đáp với ông. Thêm nữa, thu nhập của gia đình ông bình thường, không hay khoe mẽ hay có của cải dư dả gì cả, tại sao bọn bắt cóc lại chọn bắt vợ ông? Vợ ông cũng không hề gây thù với bất kỳ ai trước đó.
Sau khi suy xét kĩ lưỡng, ông Lưu quyết định báo cảnh sát bởi vì ông cho rằng sự việc có gì đó không đúng. Bọn bắt cóc sẽ không làm hại vợ ông vì bọn chúng chỉ muốn tiền. Cảnh sát Đồng Lăng tiếp nhận thông tin và nhanh chóng chia thành các nhóm tìm kiếm bà Châu - vợ ông Lưu.
Chân tướng sự việc khiến công an bất ngờ và ông Lưu chết lặng, hóa ra bà Châu đã tự biên tự diễn vở kịch bắt cóc này, chỉ vì muốn có tiền trả các khoản nợ khổng lồ mà bà đã gây ra. Bà cho biết, khả năng tài chính của chồng có hạn, mà cuộc sống của bà eo hẹp, bà không muốn để chồng vì mình mà gánh thêm một khoản nợ khổng lồ. Nhưng bắt buộc phải trả nợ, bà đã lập nên vở kịch đau lòng này. Hiện tại, bà Châu đã hối lỗi: "Lúc đó tôi không nghĩ nhiều, quá kích động, não như bị chập điện vậy đó, bây giờ tôi cực kỳ hối hận".
Ông Lưu vô cùng thất vọng với hành động của bà Châu, trong suy nghĩ của ông, lập gia đình là cả 2 sẽ cùng nhau đối mặt với khó khăn. Trong nhiều năm qua, ông Lưu luôn giữ vững quan điểm này, ông không ngờ vợ lại không hề tin tưởng chia sẻ với mình.
Không biết ông Lưu có tha thứ cho bà Châu hay không, chỉ chắc chắn một điều là sau sự việc này, ông Lưu dù không mất mát gì nhưng trong lòng đang chịu sự tổn thương nặng nề. Vì những nỗ lực trong cuộc sống của ông đã không đổi được sự tin tưởng của vợ, không chỉ vậy, ông còn nhận ra trong mắt vợ, ông chỉ là một người đàn ông thất bại.
Rốt cuộc tiền bạc là yếu tố khiến con người cảm thấy hạnh phúc hay là chất xúc tác điểm tô cho hôn nhân, hoặc chỉ là một công cụ duy trì nhu cầu cơ bản của cuộc sống và mua sắm mà thôi? Vấn đề này có lẽ sẽ khác nhau với từng người, tùy thuộc vào thế giới quan và giá trị quan của họ. Với bà Châu mà nói, có lẽ bà xấu hổ khi nói về tiền bạc với chồng vì bà cảm thấy tổn thương, cảm thấy nợ đối phương, khiến bà mất đi vị trí trong gia đình. Trên thế gian này có một kiểu như vậy, họ không tình nguyện nợ bất kỳ ai, cho dù là 1 hạt mè.
Trong trường hợp này, bà Châu không hề tin tưởng chồng mình, đương nhiên cũng đã có sự bất mãn trong gia đình. Một quả bom nổ chậm đã được đặt trong nhà từ lâu, chỉ mỗi ông Lưu chưa phát hiện ra thôi, đây là một nỗi buồn không hề nhỏ. Ngược lại, nếu bà Châu lên tiếng nhờ chồng giúp đỡ ngay từ đầu, liệu ông Lưu sẽ sẵn lòng giúp vợ hay không?
(Nguồn: Sina)