Việt Nam sẵn sàng kết thúc đại dịch AIDS

Bài và ảnh: NGỌC DUNG,
Chia sẻ

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh, 95% người được điều trị thuốc kháng virus (ARV) và 95% người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên ghi nhận ở nước ta vào năm 1990 đến nay, trong 32 năm qua, có khoảng 242.000 ca mắc; trong đó gần 220.000 người còn sống, được quản lý. Người nhiễm HIV đầu tiên là một phụ nữ, nay đã hơn 60 tuổi và đang được theo dõi, điều trị tại một bệnh viện ở TP HCM.

Giảm hơn 2/3 số ca nhiễm mới

Theo bác sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2022, cả nước phát hiện 9.025 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.378 người tử vong. Những địa phương phát hiện ca mắc tập trung ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là TP HCM (28%) và đồng bằng sông Cửu Long (26%). Dự báo từ nay đến cuối năm, cả nước sẽ phát hiện khoảng 3.000 người nhiễm HIV.

Ông Sơn cho biết với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới, số người tử vong cũng giảm rõ rệt. 15 năm trước, mỗi năm có hơn 30.000 người nhiễm HIV được phát hiện. Những năm gần đây, con số này là 12.000 - 13.000 người.

Việt Nam sẵn sàng kết thúc đại dịch AIDS - Ảnh 1.

Bác sĩ tư vấn dùng thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV tại tỉnh Long An

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, tỉ lệ người nhiễm HIV mới phát hiện là nam giới cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84% - 86%). Đường lây HIV chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. "Nếu như trước đây, HIV lây chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy thì nay, 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Từ năm 2015 đến nay, lây nhiễm HIV ở nhóm này tăng gấp đôi và có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới trong thời gian tới. Đây cũng là nhóm khó tiếp cận và điều trị dự phòng lây nhiễm vì họ thường có tâm lý e ngại, sợ kỳ thị" - ông Sơn lo ngại.

Các chuyên gia cho rằng mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm ở nhóm MSM và nhóm thanh thiếu niên có quan hệ tình dục không an toàn.

Dự phòng lây truyền HIV bằng thuốc

PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. "Việc kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó, AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng" - bà Hương khẳng định.

Mục tiêu kết thúc dịch AIDS sẽ hoàn thành khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca/năm (hiện nay là 10.000 ca/năm). Tỉ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS nhỏ hơn 1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân). Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ít hơn 2% (hiện nay 6%).

Để dự phòng lây nhiễm HIV thì sử dụng thuốc ARV là biện pháp quan trọng. Bác sĩ Võ Hải Sơn cho biết người nhiễm HIV mới có khả năng lây nhiễm cao hơn 28 lần so với người nhiễm lâu vì giai đoạn đầu nồng độ virus cao. Do đó, cần phát hiện sớm người nhiễm mới để khống chế, khoanh vùng và kịp thời điều trị bằng thuốc ARV.

Hiện chương trình điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) bằng ARV tại Việt Nam được triển khai với hơn 31.000 người. Ngoài ra, 169.000 người đang điều trị HIV/AIDS bằng ARV. Việt Nam là một trong 4 quốc gia - cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ - có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người bệnh được sử dụng ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 97%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

"Một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng, tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện. Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị thì tuổi thọ của người nhiễm gần như người bình thường" - bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Thời gian qua, BHYT là bước đột phá của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm bệnh tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Nguồn quỹ này đã chi trả 400 tỉ đồng/năm cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Ông Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ tại Việt Nam, cho rằng đến nay, kỳ thị người nhiễm HIV vẫn là một trong những rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, có thể thay đổi được bằng cách tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng những triển vọng của khoa học trong điều trị HIV, để người dân không kỳ thị người có HIV, giúp họ tự tin xét nghiệm nhằm phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc ARV. 

"Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng"

PGS-TS Phan Thị Thu Hương cho biết Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 có chủ đề "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng". Năm nay, các hoạt động truyền thông sẽ tập trung nhiều vào nhóm thanh niên để họ có kiến thức về các biện pháp dự phòng tốt cho bản thân.

Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỉ lệ người hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15 - 24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỉ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15 - 24 tuổi gần 40%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là 80% người dân tuổi từ 15 - 49 hiểu biết về 2 nội dung trên.

Chia sẻ