Việt Nam không còn sử dụng vắc xin AstraZeneca
AstraZeneca vừa thông tin, vắc xin phòng COVID-19 do hãng nghiên cứu và sản xuất sẽ rút giấy phép, thu hồi toàn bộ vắc xin trên toàn thế giới. Về thông tin này, Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam không còn sử dụng vắc xin AstraZeneca.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, đến nay Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Các mũi vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tiêm cuối cùng ở Việt Nam trước tháng 7/2023. Số vắc xin được cấp phép lưu hành trước đó đã hết hạn sử dụng. Sau đó, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca không tiếp tục được nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện chỉ còn một số loại vắc xin còn hạn sử dụng được lưu trữ để sử dụng trong phòng chống dịch COVID-19.
Tại thời điểm được cấp phép tại Việt Nam, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vắc xin COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó Việt Nam rải rác tiếp nhận vắc xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca, Bộ Y tế (từ tháng 4/2021) đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho biết: Vắc xin AstraZeneca là một trong những vắc xin COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các phản ứng xảy ra trong vòng 21 ngày sau tiêm. Đã có hàng chục triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.
“Đây là một tỉ lệ vô cùng thấp. Tại Việt Nam chưa ghi nhận sự chênh lệch có ý nghĩa trong cộng đồng. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vắc xin có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm”, PGS.TS Phạm Quang Thái nói và cho biết thêm, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin. Việt Nam đã dừng triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khá lâu.
Theo TS. Thái, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu hay hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối là bệnh lí hiếm gặp với tỉ lệ trung bình khoảng 5,6-10,7 trường hợp/1 triệu dân và có tỉ lệ cao hơn ở các nước châu Âu. Bệnh có thể do chấn thương, bệnh nhân liệt nằm lâu ngày ít cử động, bệnh tự miễn, yếu tố di truyền, nhiễm trùng và nhiều lí do khác…
Bệnh có thể chỉ thoáng qua và tự hết nhưng cũng có trường hợp triệu chứng nặng với các dấu hiệu như: đau đầu dai dẳng, dữ dội; các triệu chứng thần kinh khu trú; co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực; đau bụng; đau, phù chi dưới.
Các biểu hiện khác như chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng có thể xuất hiện nhưng với tỉ lệ thấp hơn. Trường hợp nặng cần được can thiệp y tế kịp thời và khi can thiệp đúng, sớm, các bệnh nhân có thể được cứu sống. “Như vậy, hội chứng này không phải là loại phản ứng sau tiêm mới”, TS. Thái nhấn mạnh.