Việt Nam: Hàng loạt sữa bột có thành phần không đúng như quảng cáo
Không chỉ có sữa dê Danlait, năm 2009, chị Lan ở TP. HCM đã mang mẫu sữa EnfaGrow A+ đi xét nghiệm và tá hỏa khi nhận được kết quả.
"Scandal" về tỷ lệ các chất trong EnfaGrow A+
Giữa năm 2009, dư luận đặc biệt là các bà mẹ lại được phen hốt hoảng khi biết thành phần dinh dưỡng của sữa EnfaGrow A+ (sản phẩm của nhãn hàng Mead Johnson) khác xa so với hãng này công bố trên bao bì sản phẩm.
Câu chuyện bắt đầu từ việc chị Nguyễn Thị Lan (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chọn loại sữa EnfaGrow - một thương hiệu sữa khá phổ biến tại Việt Nam cho con uống. Vì muốn đảm bảo chắc chắn về chất lượng sữa các con sử dụng nên chị Lan đã mang 1 mẫu sữa EnfaGrow A+ bước 3 đến viện Pasteur yêu cầu làm một số xét nghiệm về thành phần dinh dưỡng.
Tuy nhiên, khi nhận được kết quả xét nghiệm, thay vì yên tâm hơn, bà mẹ này đã té ngửa khi hàm lượng dinh dưỡng trong kết quả của Viện Pasteur khác xa những gì hãng sữa công bố trên bao bì sản phẩm. Cụ thể canxi trong sữa là 1.64g/100 g, cao gấp 3 lần so với mức công bố 0.560g/100g của hãng. Tương tự, tro tổng (chất khoáng) vượt 0,45g/100 g, hàm lượng chất béo kiểm nghiệm thấp hơn rất nhiều (2.72g so với 16g công bố), đạm toàn phần 2.54g trong khi ghi trên nhãn là 17g. Thậm chí chất xơ bằng 0 theo kết quả kiểm nghiệm, còn nhãn sản phẩm ghi 3g.
Vụ lùm xùm này cuối cùng cũng được Mead Johnson giải quyết, tuy nhiên cũng từ đây, lòng tin của không ít các bà mẹ vào sữa nội đã bị giảm sút nghiêm trọng.
"Sữa dê Danlait" chỉ là thực phẩm bổ sung
Mất niềm tin vào sữa nội, nhiều bà mẹ quyết bảo vệ sức khỏe cho con bằng cách mua các loại sữa ngoại dưới dạng xách tay hoặc nhập khẩu nguyên hộp. Tuy nhiên, vụ việc về nguồn gốc và chất lượng của sữa dê nhập khẩu nguyên hộp Danlait khiến các bà mẹ càng hoang mang trong việc chọn sữa cho con.
Sự việc sữa dê Danlait bắt đầu khi chị Cao Ngân Hà (Hà Nội) - trước dấu hiệu con bị sút cân, đã đi tìm hiểu về chất lượng của loại sữa Danlait (được phân phối bởi công ty Mạnh Cầm) mà con chị đang sử dụng và phát hiện có dấu hiệu nhập nhèm về nguồn gốc.
Chiều ngày 21/2 vừa qua, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện công ty Mạnh Cầm có dấu hiệu gian lận khi "tự ý bỏ tên là thực phẩm bổ sung" mà lại ghi là sữa đối với sản phẩm Danlait.
Sản phẩm sữa dê Danlait được cho là nhập khẩu nguyên hộp từ Pháp.
Ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường Thanh Xuân cho hay: "Bản thân công ty đã đăng ký sản phẩm là thực phẩm bổ sung nhưng trên nhãn phụ lại ghi là 'sản phẩm sữa cho trẻ em,' đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, chủ yếu là đối tượng trẻ em",
Cuộc tranh cãi về nguồn gốc cũng như chất lượng của sữa Danlait vẫn chưa có kết quả cuối cùng, tuy nhiên sự việc lần này lại một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng sữa cũng như vấn đề quản lý chất lượng tại Việt Nam. Người tiêu dùng nói chung và các bà mẹ nói riêng không khỏi hoang mang khi không biết trông vào căn cứ nào để chọn được loại sự phù hợp, an toàn cho con mình.
Chị Hòa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) băn khoăn: “Sữa nội không an toàn, sữa ngoại thì dởm, tôi thật không biết tin vào đâu để mua sữa cho con”.
Hàng loạt mẫu sữa bột không đạt chuẩn
Đầu năm 2009, dư luận đã có phen rung động trước thông tin trong 99 mẫu sữa bột của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM lấy đi xét nghiệm, có đến 37 mẫu có hàm lượng đạm thấp hơn công bố, đặc biệt có loại thấp hơn đến 30 lần. Trong số những mẫu không đạt chuẩn này, có 6 mẫu sữa ngoại, 31 mẫu sữa nội và hầu hết đều là sản phẩm của những hãng sữa không phổ biến.
Danh sách mẫu sữa có hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn công bố - (Nguồn: Viện vệ sinh y tế công cộng TPHCM)
Sau công bố của Viện y tế công cộng TPHCM, nhiều bà mẹ đã lưu ý hơn để chọn các loại sữa của các hãng uy tín cho con mình. Tuy nhiên, câu chuyện chất lượng sữa mới chỉ tạm lắng.