Việt Nam đang phòng cúm A/H1N1 sai cách

,
Chia sẻ

Có ý thức đeo khẩu trang, thậm chí đeo trong suốt 8 tiếng ngồi làm việc nhưng chúng ta lại lơ là vệ sinh cá nhân, nhất là đôi bàn tay. 80% bệnh truyền nhiễm qua bàn tay

Người dân VN có ý thức đeo khẩu trang phòng bệnh, thậm chí cả những lúc không cần thiết như ngồi làm việc và đeo khẩu trang suốt 8 tiếng. Trong khi đó, họ lại lơ là việc vệ sinh cá nhân, nhất là đôi bàn tay. 80% bệnh truyền nhiễm lây qua đôi bàn tay.
 
Đó là lo ngại của TS. Lê Nhân Phượng - chuyên gia y tế cộng đồng, Trưởng Đại diện của tổ chức Atlantic Philanthropies (Mỹ) tại Việt Nam.
 
Thanh niên - đối tượng có nguy cơ cao nhiễm cúm A/H1N1

Thưa ông, cho đến thời điểm này, liệu chúng ta đã có thể kết luận là đại dịch cúm A/H1N1 không đáng lo ngại bằng những dịch bệnh trước đây?

"Người dân có ý thức đeo khẩu trang phòng bệnh nhưng lại lơ là việc vệ sinh cá nhân, nhất là đôi bàn tay" - TS. Lê Nhân Phượng lo ngại. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Mặc dù tỉ lệ tử vong cúm A/H1N1 gây ra cho đến thời điểm này là không cao (từ 0,2 – 0,5%), tương đương với cúm thường nhưng điều đáng ngại là những ca tử vong lại tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Theo số liệu thống kê của webside thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những ca tử vong tập trung nhiều ở lứa tuổi 25 - 49 (41%), tiếp đó là ở lứa tuổi 50 – 64 (24%), lứa tuổi 5 – 24 chiếm 16%.

Vì sao giới trẻ dễ nhiễm bệnh hơn người già và trẻ nhỏ?

Không chỉ cúm A/H1N1 mà những loại cúm mùa thông thường đều có sự lây lan nhanh từ người sang người. Những người tuổi trẻ thường có xu hướng giao lưu nhiều, do đó là nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
 
Trong khi đây được xem là một dịch bệnh mới, một loại vi-rút mới, chưa có những nghiên cứu khoa học cụ thể thì chúng ta không thể xem nhẹ được.

Người dân VN phòng cúm còn sai cách

Không được xem nhẹ dịch bệnh mới, nhưng liệu truyền thông Việt Nam có thông tin quá đà với cúm A/H1N1 mà gây hoang mang cho người dân không?

Không chỉ truyền thông Việt Nam mà cả truyền thông Mỹ, Mexico, Singapore…đều nhắc đến cúm A/H1N1 rất rầm rộ.

Ở Singapore, ngoài thông tin qua đài, báo, ti vi, người ta còn treo những áp phích thông tin và cách phòng tránh cúm A/H1N1 ở tất cả những nơi công cộng như siêu thị, trung tâm mua sắm, trường học, công sở…Cách làm này đã cảnh báo người dân không được lơ là với dịch bệnh nhưng phần nào lại khiến họ hoang mang.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của truyền thông là phải thông tin một cách đa dạng, phong phú nhất để phục vụ mọi tầng lớp nhân dân. Có thể thông tin này không quan trong với bạn nhưng lại cần thiết cho người khác. Vì thế, mỗi cá nhân khi tiếp nhận thông tin thì cần phải có trách nhiệm lựa chọn thông tin phù hợp nhất với mình.
 
Không nên đổ toàn bộ trách nhiệm cho truyền thông như vậy!

Ông có nhận xét gì về thái độ đối phó với dịch cúm A/H1N1 của người dân Việt Nam?

Tôi thấy người dân có ý thức đeo khẩu trang phòng bệnh, thậm chí cả những lúc không cần thiết như ngồi làm việc và đeo khẩu trang suốt 8 tiếng, trong khi đó lại lơ là việc vệ sinh cá nhân, nhất là đôi bàn tay. 80% bệnh truyền nhiễm lây qua đôi bàn tay.

Rửa tay là điều cần thiết trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải là chỉ khi có dịch bệnh. Vừa qua, một tờ báo Việt Nam cho hay, tỷ lệ không rửa tay thường xuyên của người dân khá cao: không rửa tay trước khi ăn (69,7%), không rửa tay sau khi tiểu tiện (79,6%) và sau khi đại tiện (68,1%).

Thói quen không rửa tay là một chuyện. Nhưng tôi thấy ở những nơi công cộng như sân bay, siêu thị… thường xuyên thiếu xà bông, khăn giấy lau, máy sấy tay… Nhiều nơi có nhưng lại trong tình trạng hỏng, hết... chưa kịp thay thế.

Hệ thống cánh bảo cúm A/H1N1 của chúng ta liệu có cần bổ sung thêm điều gì không, thưa ông?

Tôi thấy có một số cảnh báo là không cần thiết, dễ khiến dân hoang mang. Chẳng hạn như việc cảnh báo không nên sử dụng điều hòa, thang máy…

Tôi đã đi một số nước như Singapore, Malaysia, Mỹ… và không hề thấy họ đưa ra khuyến cáo này.

Còn ở Việt Nam, mặc dù đưa ra khuyến cáo nhưng mọi công sở, xí nghiệp, thâm chí là những cuộc họp của quan chức Bộ Y tế… cũng chưa bao giờ tắt máy điều hòa, ngừng sử dụng thang máy…

Điều hòa với độ ẩm cao, nấm, vi-rút dễ phát triển và sinh sôi ở ngay bộ lọc. Cách tốt nhất là thường xuyên vệ sinh bộ lọc. Với thang máy cũng vậy, cần thường xuyên vệ sinh thang máy và hệ thống thông hơi trong thang máy.

Chính phủ cần quan tâm hơn đến nông thôn, miền núi

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang kêu trời khi công sở của họ có người nhiễm cúm, khiến lượng khách đến giao dịch giảm hẳn. Liệu ở những nước khác, chính phủ có khoản hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp trước những rủi ro này không?

Theo tôi được biết, hiện trên thế giới chỉ có ít nước hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình huống này. Sở dĩ như vậy là bởi thiệt hại kinh tế mà dịch cúm A/H1N1 gây ra không quá nặng nề như những dịch bệnh trước đây SARS, cúm A/H5N1…

Thiết nghĩ, trong thời điểm này, chính phủ các nước nói chung và chính phủ Việt Nam nói riêng cần quan tâm, hỗ trợ những trang thiết bị khám chữa bệnh, thuốc thang… đến những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi – nơi có nhiều người dân nghèo sinh sống.

Phải làm sao để khi dịch cúm gõ cửa đến các vùng miền này, người dân vẫn có điều kiện được khám, xét nghiệm, điều trị cúm A/H1N1 kịp thời.

 Theo Bee
Chia sẻ