Việt Nam chuẩn bị đón cực đại mưa sao băng được tạo ra từ sao chổi 4,6 tỷ năm tuổi

Hạ Vũ,
Chia sẻ

Người yêu bầu trời sẽ có cơ hội quan sát mưa sao băng Orionids vào nửa đêm 21 và rạng sáng 22/10. Đây là 1 trong 2 trận mưa sao băng được tạo ra từ sao chổi Halley nổi tiếng.

Vào tối nay 21 rạng sáng ngày 22/10 những người yêu thiên văn sẽ được chứng kiến cực đại của 1 trong những trận mưa sao băng được mong chờ nhất trong năm - mưa sao băng Orionids. Tuy chỉ có thể quan sát được 20 vệt sao băng mỗi giờ vậy tại sao trận mưa sao băng này vẫn được mong chờ như vậy?

Đêm nay rạng sáng ngày mai Việt Nam đón cực đại mưa sao băng được tạo ra từ sao chổi 4,6 tỷ năm tuổi  - Ảnh 1.

Mưa sao băng Orionids được nhìn thấy từ thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 22/10/2020. Ảnh: CNN

Có nguồn gốc từ sao chổi Halley nổi tiếng

Mưa sao băng Orionids được tạo ra bởi những hạt bụi còn sót lại của sao chổi Halley nổi tiếng được biết đến và được quan sát từ thời cổ xưa. Với chu kỳ 76 năm, phải đến năm 2061 Halley mới bay qua gần Trái Đất lần nữa. Các mảnh vụn của sao chổi này để lại nằm thành những đám cắt qua quỹ đạo Trái Đất và khi hành tinh chúng ta đi qua khu vực này, các mảnh vụn (các thiên thạch) lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng do áp suất khí quyển tạo thành rất nhiều sao băng có thể nhìn thấy được từ mặt đất.

Và mỗi năm hành tinh của chúng ta đi qua "chiếc đuôi đá bụi" của nó 2 lần, gây ra 2 trận mưa sao băng. Một trong số đó là mưa sao băng Orionids và mưa sao băng Eta Aquarids hồi tháng 5.

Trước đó vào hồi tháng 5, một thiên thạch có thể là mảnh vụn của trận mưa sao băng Eta Aquarids đã rơi trúng vào một gia đình ở thị trấn Hopewell, bang New Jersey, Hoa Kỳ.

Theo NASA, những thiên thạch này là những mảnh vụn đá do sao chổi Halley tạo thành, và sao chổi này thường bay qua Trái Đất trong chu kỳ từ 75 đến 79 năm.

Đêm nay rạng sáng ngày mai Việt Nam đón cực đại mưa sao băng được tạo ra từ sao chổi 4,6 tỷ năm tuổi  - Ảnh 2.

Khi những mảnh sao chổi nhỏ bé này va chạm với Trái Đất, ma sát với bầu khí quyển của chúng sẽ làm chúng tăng nhiệt trắng và tạo ra hiệu ứng thường được gọi là "sao băng".

Mưa sao băng Orionids hằng năm diễn ra từ ngày 2/10 đến 7/11. Cực đại của năm nay là vào đêm ngày 21 tháng 10. Trăng bán nguyệt đầu tháng có thể che khuất một số sao băng chiều tối, tuy nhiên không ảnh hưởng quá nhiều. Thời điểm quan sát tốt nhất là từ một địa điểm tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Orion nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Theo Sapce.vn, thời điểm để quan sát cực đại mưa sao băng Orionids vào khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng ngày 22/10 (giờ GMT) cho đến khi bình minh ló dạng (khoảng 5:45 sáng). Đặc biệt, Orionids là một trong số ít các trận mưa sao băng được biết đến có thể quan sát rõ ràng như nhau từ cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

Việt Nam quan sát thế nào?

Theo định vị trên tang Timeanddate, cực đỉnh của mưa sao băng Orionids sẽ rơi vào khoảng tối 21, rạng sáng 22/10 theo giờ Việt Nam.

Theo chuyên gia, hiện tượng này có thể được quan sát tại bất cứ nơi nào, miễn là nơi quan sát không có mây và góc nhìn không bị cản trở, đồng thời không khí không quá ô nhiễm. Bạn không cần bất cứ dụng cụ gì để quan sát hiện tượng này, đơn giản là nhìn bằng mắt thường.

Hãy chọn nơi quan sát nào có góc nhìn đủ rộng và không để ánh sáng mạnh như đèn đường, đèn trên các nhà cao tầng chiếu thẳng vào mắt.

Đêm nay rạng sáng ngày mai Việt Nam đón cực đại mưa sao băng được tạo ra từ sao chổi 4,6 tỷ năm tuổi  - Ảnh 3.

Mưa sao băng Orionids. Ảnh: Huy Huynh

Mưa sao băng không giống như những bức tranh minh họa hay trong những thước phim, điều mà bạn cần là sự kiên nhẫn khi quan sát. Vì vậy nên chuẩn bị tư thế quan sát cho mình, một chiếc ghế dài ngả lưng sẽ là một cách lý tưởng. Bạn không cần bất cứ một thiết bị nào để theo dõi hiện tượng này, hãy dùng mắt thường vì đó là cách tốt nhất.

Đặc biệt, thời tiết trên cả nước ngày hôm nay khá thuận lợi để có thể quan sát hiện tượng này. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền Bắc do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết có thể sẽ nhiều mây và có gió đông bắc. Bạn cần lựa chọn thời gian, không gian cũng như giữ ấm cơ thể nếu muốn quan sát hiện tượng thú vị này.

Cuối tháng 10 này, hiện tượng nguyệt thực một phần xảy ra và được nhiều người yêu thiên văn mong chờ. Theo đó, nguyệt thực sẽ được nhìn thấy trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và miền tây nước Úc, đồng nghĩa người yêu thiên văn Việt Nam hoàn toàn có thể quan sát được hiện tượng này.

Chia sẻ