Việt Nam 2022, những điểm sáng sau đại dịch: Mở cửa bầu trời đón khách quốc tế, GDP cao kỷ lục giữa "bão suy thoái"; ứng phó an toàn với mưa lũ miền Trung và dấu ấn SEA Games 31
Từ mở cửa bầu trời để phục hồi kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đến những thành tựu trong kinh tế, văn hoá - xã hội..., năm 2022 là một năm đặc biệt với đất nước, con người Việt Nam.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thế giới sẽ chính thức bước sang năm 2023. Năm 2022 - một năm đầy biến động đối với thế giới cũng như Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh người dân Việt Nam cũng như thế giới vẫn đang đối mặt với dịch bệnh, thiên tai. Thế nhưng giữa "vũng bùn" khó khăn đó, con người và đất nước Việt Nam vẫn vươn lên đầy mạnh mẽ để đạt được những thành tựu không tưởng.
Mở cửa bầu trời - Lời khẳng định về một Việt Nam vững vàng
Sau gần 2 năm đóng cửa, từ 15/2, Việt Nam chính thức mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và tiến tới cởi bỏ nhiều quy định phòng chống Covid-19… để khôi phục phát triển kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Quyết định này nhằm khơi thông giao thương giữa Việt Nam với các nước, khôi phục hoạt động du lịch - ngành kinh tế vốn đóng góp khoảng 9% GDP cả nước trước khi đại dịch xảy ra.
Thế nhưng, vào thời điểm đó, kế hoạch này cũng đặt ra rất nhiều thách thức bởi vấn đề dịch bệnh. Bởi sự xuất hiện của biến chủng Omicron lúc này đang là hiểm họa toàn cầu chứ không riêng Việt Nam.
Kế hoạch mở cửa này nếu thành công sẽ chính là lời khẳng định có sức nặng nhất với thế giới về một Việt Nam vững vàng trước đại dịch, vượt lên trên dịch bệnh để đưa đời sống kinh tế - xã hội trở lại với trạng thái bình thường mới.
Mở cửa hay không? Câu hỏi rất khó, nhưng với kinh nghiệm nhiều nước quốc tế, Việt Nam phải chung sống với dịch bệnh và cần mở cửa. Việt Nam dựa vào ngoại thương, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu quá lớn, không thể đóng cửa. Phải mở cửa nhưng mở thế nào để đảm bảo an toàn tối đa nhưng vẫn tận dụng giao thương nước ngoài để phát triển.
Quyết định mở cửa lại bầu trời nhận được sự ủng hộ cũng như kỳ vọng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Bởi nhìn vào con số năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tổng thu của ngành du lịch là 755.000 tỷ đồng. Song đến năm 2021, sau 2 năm đại dịch hoành hành, con số này chỉ còn 180.000 tỷ đồng. Và con số tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 đạt kỷ lục 22% so cùng kỳ, tăng rất cao so với mức âm 6% của quý III trước đó, khi gần 1/3 đất nước thực hiện giãn cách xã hội chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Điều đó cho thấy, việc mở cửa đón du khách quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với sự hồi phục của nền kinh tế.
Việc chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế ngày 15/2 có ý nghĩa rất lớn không chỉ với ngành du lịch mà của nền kinh tế nói chung. Bởi khôi phục lại hoạt động du lịch cũng chính là góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, là đòn bẩy giúp các địa phương có thế mạnh du lịch bật dậy trước khủng hoảng do dịch.
GDP cao kỷ lục trong "cơn bão" suy thoái kinh tế toàn cầu
Sau thời gian 2 năm 2020-2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%...
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD - lập đỉnh mới sau kết quả gần 670 tỷ USD năm ngoái; vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bất chấp tình hình thế giới và trong nước biến động, Việt Nam dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2022. Trong đó, dự báo kinh tế tăng trưởng đạt 8%, vượt chỉ tiêu 6-6,5% được giao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế, là kết quả của quá trình kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.
Áp lực lạm phát gia tăng, làn sóng cắt giảm lao động
Giữa bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng ấy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng chịu không ít biến động, ảnh hưởng từ cơn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số CPI năm 2022 theo dự kiến của Chính phủ là 3,87% cho thấy lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mục tiêu 4% của Quốc hội. So sánh với nhiều nước trong khu vực, mức tăng CPI của Việt Nam tương đối thấp trong bối cảnh bóng ma lạm phát phủ bóng toàn cầu.
Tuy nhiên, đây cũng là mức tăng cao nhất trong 6 năm (2017-2022) của CPI và 2022 cũng là năm áp lực lạm phát được người tiêu dùng cảm nhận rõ nét qua sự leo thang về giá của nhiều mặt hàng.
Cục Quản lý giá cho rằng, trong những tháng cuối năm, sẽ có nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có những yếu tố giảm áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát như: Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế... Đặc biệt, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào sẽ góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá.
Ngoài ra, dù GDP năm 2022 tăng trưởng nhanh và có nhiều chỉ số vĩ mô tốt, thế nhưng trong những tháng cuối năm, Việt Nam chịu nhiều áp lực từ nguy cơ suy thoái toàn cầu. Xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế - bị ảnh hưởng.
Việt Nam đã ghi nhận việc đơn hàng giảm dần, rơi mạnh ở hai quý cuối và tình trạng này có thể kéo dài đến giữa 2023. Điều này khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hàng loạt. Đặc biệt từ quý III/2022, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,06 triệu người.
Dù COVID-19 đã được kiểm soát tuy nhiên trong quý III, cả nước vẫn ghi nhận 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 với 0,3 triệu người bị mất việc; 1,3 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Hàng loạt sai phạm trên thị trường chứng khoán - Sự khựng lại của một "bánh răng"
Năm 2022 có lẽ là năm biến động nhất của thị trường chứng khoán trong nước khi đã ghi nhận nhiều vụ xử phạt hành chính cao kỷ lục, liên quan đến các sai phạm về công bố thông tin của cổ đông nội bộ, doanh nghiệp niêm yết và các công ty chứng khoán trong việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, những vụ án liên quan đến thị trường chứng khoán đã mở rộng sang cả phạm vi xử lý hình sự như: Khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC vào ngày 29/3/2022 với hành vi Thao túng thị trường chứng khoán; Khởi tố, bắt tạm giam với Đỗ Anh Dũng – cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Group, và 6 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào ngày 5/4/2022; Khởi tố, bắt tạm giam với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào sáng 8/10...
Trước đó, từ năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng nhiều lần đưa ra thông điệp khẳng định sẽ tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Thông điệp này đã được hiện thực hóa trong năm 2022. Hơn một thập kỷ từ sự việc Dược Viễn Đông, thị trường mới chứng kiến những vụ "thao túng chứng khoán" chấn động như vậy. Tất cả khiến thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chỉ số lao dốc, đi cùng với sụt giảm về thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài chứng khoán, thị trường trái phiếu - kênh đầu tư có tính chất an toàn cao hơn nhiều kênh khác bất ngờ rơi vào “đóng băng”. Một phần nguyên nhân đến từ lòng tin của nhà đầu tư, khi nhiều sai phạm liên tục bị "phơi bày".
Mưa lũ miền Trung - Ứng phó chuyên nghiệp và thích ứng an toàn hơn
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3 - 2/4) kèm theo dông lốc, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; gần đây nhất là đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền tại các tỉnh miền Trung (từ 2/10 - 15/10) khiến hầu hết các nơi ngập trong biển nước. Từ các vùng núi Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đến đô thị Đà Nẵng…
Đặc biệt, trận lũ quét lịch sử tại Kỳ Sơn Nghệ An (2/10) và đợt mưa ngập lịch sử trong 2 ngày 14 và 15/10 tại TP. Đà Nẵng đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản.
Mưa lũ, thiên tai dị thường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân miền Trung. Thế nhưng trong bối cảnh thiên tai bất thường, dị thường được dự báo sẽ ngày càng gia tăng và khắc nghiệt, không còn cách nào khác ngoài việc chung sống với nó.
Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã được chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, trước những diễn biến thiên tai phức tạp và bất thường ngày càng gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải chủ động ứng phó với tầm nhìn xa hơn, chuyên nghiệp hơn và tập trung nhiều nguồn lực hơn.
SEA Games 31 - "Thắp sáng" Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế
Năm 2022 có thể là một năm đầy biến động với nhiều ngành, lĩnh vực, thế nhưng đối với ngành thể thao, văn hóa nước nhà đây có thể được coi là một năm đầy thành công. Nhiều sự kiện được tổ chức thành công và thu được thành tích lịch sử. Trong số những sự kiện tiêu biểu đó, SEA Games 31 chính là sự kiện thành công nhất của văn hóa nước nhà.
Trước khi Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 được diễn ra có rất nhiều quan ngại ngay kể cả với các quốc gia trong khu vực: Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nước đang gồng mình chống dịch, phục hồi kinh tế... thì liệu kỳ Đại hội có thể tổ chức được không? Hay liệu khán giả có được đến cổ vũ hay không?
Thế nhưng tổ chức thành công SEA Games 31 là trách nhiệm của Việt Nam, cùng với các quốc gia trong khu vực, vì một cộng đồng ASEAN đoàn kết; qua đó thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất cao của Chính phủ khi vượt qua nhiều khó khăn do dịch bệnh để tổ chức một SEA Games 31 rất thành công.
Trước những khó khăn trên, được giao nhiệm vụ tổ chức SEA Games 31, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực tổ chức SEA Games vào tháng 5/2022.
Sau 16 ngày tranh tài, ĐH đã kết thúc thành công rực rỡ. Cho dù không tổ chức bán vé, thế nhưng khán đài các môn thi đấu luôn chật kín khán giả... đã cho thấy tinh thần vì thể thao của người dân Việt Nam. Đặc biệt, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn toàn thuyết phục tất cả người hâm mộ khu vực.
Với 205 huy chương vàng, Việt Nam nhất toàn đoàn. Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, Việt Nam đã tổ chức thành công một kỳ SEA Games đầy ấn tượng. Tại SEA Games 31, có niềm vui và cả những giọt nước mắt nhưng trên tất cả là tinh thần thể thao cao thượng, tinh thần đoàn kết của cộng đồng ASEAN. Một Việt Nam thân thiện, mến khách với sự cổ vũ của khán giả ở tất cả các môn thi đấu dù có vận động viên chủ nhà hay không. Sự chu đáo trong công tác tổ chức đã cho thấy một Việt Nam vượt qua dịch bệnh, đang phục hồi và phát triển.
Đại hội lần này ngoài khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam tại đấu trường thể thao khu vực, còn có nhiệm vụ rất quan trọng là quảng bá hình ảnh của đất nước, con người, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa Việt Nam, nâng cao vị thế Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Ngày hội thể thao thực sự ghi dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế, nhân dân Việt Nam và những người yêu thể thao ở 11 quốc gia ASEAN đã thực sự được sống trong bầu không khí của lễ hội thể thao vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.