Viện dưỡng lão của những người "vang bóng một thời"

Trương Tuấn - Lê Phong,
Chia sẻ

Tổ ấm cho những người “vang bóng một thời” chính là một căn nhà 2 tầng tuềnh toàng nằm sâu trong con hẻm nhỏ cuối đường Âu Dương Lân (Quận 8, TP.HCM) với bảng hiệu vừa sang vừa buồn: Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Về đây cho đời bớt hiu quạnh

Viện dưỡng lão nghệ sĩ do NSND Phùng Há đề xuất đưa vào nghị định đại hội - hội SK thành phố nhiệm kì II. Lúc bấy giờ, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng  - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất khuyến khích thực hiện. Thành ủy UBND thành phố và các sở ban ngành cũng đã tận tình giúp đỡ. Toàn giới nghệ sĩ và mạnh thường quân thương mến nghệ sĩ già đã ủng hộ tài chính và hiện vật xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cho căn nhà chung này. Trại xá đầu tiên khánh thành vào ngày 7/3/1998.

Viện dưỡng lão của  những người
Hành lang khu dưỡng lão trưng bày những hào quang của ngày cũ. Nhìn vào ngày cũ, chẳng rõ lòng họ vui hơn hay thêm buồn.


Với nhiều nghệ sĩ, được ở trong viện dưỡng lão là điều may mắn hơn nhiều chị, em nghệ sĩ khác. Nghệ sĩ Ngọc Đáng Lớn (85 tuổi) bày tỏ: “Ở ngoài kia còn rất nhiều người không chốn nương thân, không người bầu bạn. Nơi này, dẫu thiếu vắng tình thân của gia đình, nhưng cũng còn lại chút tình nghệ sĩ san sẻ cùng nhau”. 

Viện dưỡng lão của  những người
Nghệ sĩ Lệ Thu nổi danh một thời trong căn phòng hiện tại. Bà vẫn giữ những kỷ vật thời trẻ cùng đoàn cải lương Khánh Hồng đóng tại đình Cầu Quan (Q.1).


Viện dưỡng lão của  những người
Tài sản quý báu nhất của bà là những bức ảnh và kỷ vật mà khán giả tặng lúc còn trẻ.


Nghệ sĩ cải lương Lệ Thẩm góp chuyện: “Tôi sinh năm 1937 quê ở tận Bạc Liêu. Ngay từ khi còn nhỏ đã theo đoàn hát, những vở tuồng thấm sâu vào máu thịt cho nên lên 17 tuổi đã được các cô chú cho đóng vai đào chánh”. Rồi giọng bà bỗng đượm buồn: “Các chú thấy rồi đó, giờ đời của tôi bây giờ chỉ như thế này. Mỗi ngày 2 bữa cơm đã là vui quá rồi!”. Cách đây vài chục năm Lệ Thẩm từng là thần tượng của rất nhiều người, thời đi diễn bà thành danh với các vở “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”, “Ánh nắng chiều xưa”…

Viện dưỡng lão của  những người
Góc nghỉ trưa của nghê sĩ nhân dân Ngọc Đáng Lớn.


Viện dưỡng lão của  những người
Thi thoảng vẫn có người đến thăm, nhưng nhìn chung khu dưỡng lão nghệ sĩ vẫn nhuốm một màu buồn buồn, trống trải.


Viện dưỡng lão của  những người
Bảng lưu niệm khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu thành phố


Hiện, Viện dưỡng lão vỏn vẹn có 20 nghệ sĩ, nhưng việc duy trì nó rất vất vả, thiếu thốn. Mỗi tháng, chi phí sinh hoạt của viện lên đến hơn 30 triệu đồng, bình quân xuất ăn một ngày chỉ có 22 ngàn đồng. Kinh phí đa phần dựa vào sự quyên gióp, giúp đỡ từ các mạnh thường quân.

Hào quang còn lại chút này

Niềm vui của các nghệ sĩ là lâu lâu có người ghé thăm, có thể là bạn bè hoặc người hâm mộ. Dịp ấy, họ có cơ hội để ôn chuyện xưa: “Nhớ không, hồi đó…”. Và dòng hồi tưởng ấy là cơ hội để họ cất lên những câu ca tha thiết của ngày cũ.

Viện dưỡng lão của  những người
Ngồi ôn ngày cũ


Để nguôi ngoai nỗi nhớ nghề, nghệ sĩ Lệ Thẩm ở tuổi xế chiều không thể làm “tì nữ”, “đào chánh”, “quân hầu”, “công chúa”… nữa, nhưng bà có thể đóng phim. Những bộ phim từng được bà thủ vai như: “Mùa len trâu”, “Dốc tình”, “Vòng xoáy tình yêu”…

Giữa trưa, từ đầu cổng bỗng có một giọng quen thuộc của một người nghệ sĩ tài hoa, bà cười hà hà rồi chí chóe khoe: “Hôm nay tui đóng phim đạt nên đạo diễn cho về sớm nè mọi người”. Người nghệ sĩ ấy không ai khác chính là bà Thiên Kim (80 tuổi). Ngay từ sáng sớm bà đón xe ôm lên tận huyện Hóc Môn (TP. HCM) để đóng 5 phân cảnh. Hiện tại, bà được xem là người “đắt sô” và được nhiều đạo diễn quý mến. Những bộ phim “ăn khách” thường  mời nghệ sĩ Thiên Kim đóng như: “Bỗng dưng muốn khóc”, “Hot boy nổi loạn”, “Mẹ chồng nàng dâu”, “Huyền Trân công chúa”…

Có lẽ trong viện dưỡng lão này, bà là người giàu có nhất. Nhưng với bà, tiền thu nhập đa phần giúp cho con cái, phần còn lại, bà gửi tiết kiệm. Kể về mình bà không khỏi tự hào: hơn mấy chục năm qua, bà là người lao động duy nhất trong gia đình, ấy vậy mà vẫn nuôi được 5 đứa con và 5 đứa cháu nên người. Cật lực làm việc, nhưng khi về già bà chẳng đòi hỏi gì thêm. Niềm vui hiện tại của bà là được sống cùng với những người nghệ sĩ già trong viện dưỡng lão hoặc vui nữa là mỗi khi ra đường được nhiều người hâm mộ nhận ra ôm, hôn - thế là quá đủ.

Viện dưỡng lão của  những người
Nghệ sĩ Thiên Kim vừa đi diễn về, nghệ sĩ Ngọc Đáng Lớn vui vẻ hỏi thăm
.

Dù đã già nhưng bà vẫn nhớ như in kỉ niệm đau buồn cách đây hơn nửa thế kỉ: đêm định mệnh 19-12-1955 khiến bà từ giã sân khẩu cải lương để “rẽ nhánh” sang điện ảnh, kịch, phim. Năm ấy Thiên Kim đang hát vở “Lấp Sông Gianh” tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, Q.1) -  vở diễn thể hiện mong muốn Nam Bắc sum họp  - thì lính Diệm đến ném lựu đạn khiến 3 người chết. Riêng Thiên Kim cũng bị mảnh đạn găm trên người, vết tích vẫn còn đến nay.

Viện dưỡng lão của  những người
Nghệ sĩ Thiên Kim kể về đêm định mệnh
.

Những người nghệ sĩ như Lệ Thu, Lệ Cúc đã hơn 70 tuổi vẫn còn nặng lòng với sân khấu cải lương, để trải lòng với đam mê vào ngày rằm hàng tháng họ lại tổ chức đêm nhạc trong khuôn viên của Viện Dưỡng lão để thỏa nỗi nhớ với nghệ thuật.

Ra về, chúng tôi nghe đâu đó một câu hát nhói lòng: “Rong chơi ta cũng qua kiếp người/ Xin trả lại cho đời vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Chia sẻ