Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Bệnh không thể xem nhẹ
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu chủ yếu do miễn dịch cơ thể kém.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh về đường tiêu hóa, có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện bệnh
BS Lê Xuân Thắng (Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện 103) cho hay, gần đây khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu. Bệnh này làm tổn thương ở niêm mạc đại trực tràng và gây xuất huyết đại tràng biểu hiện bệnh nhân có đi ngoài ra máu. Phần lớn bệnh nhân vào viện khi đã ở tình trạng nặng, suy kiệt và có nhiều biến chứng. Giai đoạn đầu bị bệnh thường rất dễ nhầm là bị bệnh kiết lỵ nên nhiều người thường tự điều trị nhưng không có kết quả hoặc có giảm bớt triệu chứng nhưng để lâu bệnh ngày càng tăng dần và có triệu chứng nặng hơn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu chủ yếu do miễn dịch cơ thể kém. Ảnh minh họa
Đối tượng hay gặp nhất là phụ nữ, tuổi từ 40 trở lên. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do miễn dịch cơ thể kém. Ngoài ra có thể do ký sinh trùng như sán, amid lỵ gây viêm loét đại trực tràng, chấm sốt xuất huyết khi chui vào đại trực tràng…
Theo BS Thắng, tùy theo từng mức độ tổn thương mà bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.Thông thường những trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu sẽ có những triệu chứng như tiêu chảy nhiều lần trong ngày; Phân có nhiều nhầy máu, nếu nặng có khi chỉ toàn nhầy máu mà không có phân; Có cảm giác đau bụng, khi đau bụng muốn đi đại tiện ngay, mót rặn khi đại tiện.
Các xét nghiệm cận lâm sàng chủ yếu cho thấy hồng cầu, huyết sắc tố giảm. Thứ hai, soi đại tràng dọc theo trực tràng và đại tràng xuống có xuất hiện nhiều đám xuất huyết chảy máu, thậm chí có trường hợp máu chảy đầy trong lòng trực tràng. Nặng hơn có thể thiếu máu cấp tính, bệnh nhân phải vào viện cấp cứu ngay vì chảy máu tiêu hóa rất rõ rệt. Ngoài ra, người bệnh bị suy kiệt do mất ăn mất ngủ, thiếu máu, sốc do nhiễm độc, có thể thủng đại tràng nếu bệnh nặng. Bệnh nhân có những lúc hoa mắt chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống do thiếu máu, thậm chí có thể bị ngất.
“Việc điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu cơ bản là điều trị chảy máu tiêu hóa cấp, cầm máu và bù lại lượng máu đã mất bằng cách truyền máu. Ngoài ra có thể truyền dịch thêm, có trường hợp phải bù thêm corticoid và điều trị các triệu chứng kèm theo…” – BS Thắng cho hay.
Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng bệnh
BS Thắng khuyến cáo, viêm loét đại trực tràng chảy máu chỉ có thể phát hiện được khi làm nội soi, sinh thiết. Khi phát hiện có rối loạn đại tiện, thay đổi tính chất phân như lát, phân có máu, không khuôn, đau bụng nhiều thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để ra tình trạng muộn như đi ngoài 2 – 3 ngày liền, mất máu thì việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn. Mọi người cần được theo dõi thường xuyên 6 tháng 1 lần bằng soi đại tràng, sinh thiết đại tràng và đại tràng sigma để kịp thời phát hiện giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.
Cùng với việc điều trị theo chỉ định của bác sỹ, theo các chuyên gia tiêu hóa những bệnh nhân vị viêm loét đại trực tràng cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa. Bệnh nhân nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp… Không chỉ thế, căng thẳng quá mức cũng làm tình trạng bệnh viêm loét đại tràng thêm trầm trọng. Nên thư giãn, tránh suy nghĩ quá mức, không dùng các chất kích thích, uống đủ nước và khám sức khỏe định kỳ. Đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh đối với người khỏe mạnh.