Việc quản lý trẻ ở chùa Bồ Đề lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng

Lê Bảo,
Chia sẻ

Theo báo cáo từ phía cơ quan điều tra thì việc quản lý sổ sách, tiếp nhận trẻ vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài.

Như đã thông tin về vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, các cơ quan điều tra ban đầu đã đưa ra những thông tin ban đầu về vụ án. 

Thượng tá Vũ Thái Hưng cho biết: "Qua quá trình điều tra, xác định tại chùa Bồ Đề, hiện có 106 trẻ em có độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi, có 17 người được nhà chùa giao nhiệm vụ trông trẻ và 2 nhân viên bảo vệ chùa, 2 nhân viên nấu cơm. Việc quản lý trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép, việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, cụ thể như trường hợp của đối tượng Trang và Nguyệt".

Việc quản lý trẻ ở chùa Bồ Đề lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng 1
Cháu Công - nạn nhân của vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.

Thượng tá Hưng cũng chia sẻ: "Cháu Công có tên trong danh sách của chùa Bồ Đề và hiện cơ quan điều tra đang khẩn trương xác minh, làm rõ vụ án, đặc biệt là thông tin người dân tố cáo việc một số cháu bé cũng đã bị mất tích bí ẩn tại chùa trong thời gian qua. Đối với trách nhiệm của sư trụ trì chùa, việc xử lý đến đâu, cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ".

Việc quản lý trẻ ở chùa Bồ Đề lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng 2
Tài liệu của cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra thì trước đó, chị Trịnh Thị Thu Hà (Cẩm Khê - Phú Thọ) yêu anh Vũ Xuân Trường (Yên Sơn - Tuyên Quang) có thai với nhau. Đến ngày 15/10/2013 hai anh chị sinh một bé trai, do sợ gia đình biết chị Hà và anh Trường mang đến chùa Bồ Đề để nhờ nuôi dưỡng. Khi anh Trường, chị Hà đến chùa thì nói dối là con của người khác. Sư trụ trì liền nói với chị Nguyễn Thị Trang nhận trách nhiệm trông nom các cháu và làm thủ tục giữ trẻ, tại đây nhà chùa đặt tên cháu là Cù Nguyên Công.

Trước tình cảm dành cho cháu bé, thỉnh thoảng vợ chồng anh Long được nhà chùa cho phép đón cháu bé về nhà chăm sóc vài ngày. Đến chiều 31/12/2013, Trang gọi điện cho vợ chồng anh Long nói: Đưa cháu Công về chùa ngay vì sắp có đoàn kiểm tra. Nhưng đến ngày 4/1 vừa qua, vợ anh Long đến chùa để đón bé Công về đưa đi khám bệnh (trước đó Công bị viêm đường hô hấp) đã không thấy cháu bé đâu.

Theo anh Long, khi bị gặng hỏi, Trang chỉ giải thích mẹ cháu bé đã đón về. Trước sự vòng vo của người quản lý khu nuôi trẻ, anh Long đã gửi đơn trình báo sự việc tới cơ quan công an. Xác định có dấu hiệu một vụ mua bán trẻ em, cơ quan công an đã vào cuộc.

Qua quá trình xác minh, cơ quan điều tra đã thu giữ nơi ở của Phạm Thị Nguyệt nhiều giấy tờ (Giấy khai sinh của các bé không phải con đẻ của chị Nguyệt, giấy viết tay của người khác) nghi làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc những đứa trẻ mà Nguyệt đang nuôi. Hiện tại, Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé khoảng 2 tuổi không phải con đẻ.

Hiện cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra vụ án.
Chia sẻ