Việc nên làm khi xông đất đầu năm Quý Mão 2023 để cả năm may mắn
Xông đất (hay còn gọi là đạp đất, xông nhà) là tục lệ truyền thống với ý nghĩa nghênh đón những điều may mắn nhất trong dịp đầu năm mới.
Ý nghĩa của tục xông đất
Việc xông đất có thể được diễn ra tự nhiên hoặc gia chủ có thể có lời nhờ những người hợp tuổi với mình tới xông đất. Và dù diễn ra thế nào thì tục xông đất cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình người Việt.
Theo tục này, người đầu tiên tới chúc Tết gia đình sẽ là người xông đất. Người này mà hợp tuổi, hợp mệnh gia chủ thì sẽ mang tới nhiều may mắn, cát lành cho gia chủ và ngược lại. Vì thế mà từ xa xưa đã rất chú trọng tới việc xem tuổi xông đất đầu năm mới.
Thời điểm đẹp xông đất
Theo Lịch ngày tốt, thời điểm xông đất tính từ thời khắc Giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.
Cách chọn người xông đất sẽ mang lại may mắn
Ngoài việc lựa chọn người hợp tuổi, có Thiên can, Địa chi, Ngũ hành tương sinh với gia chủ hay lưu niên Quý Mão (như cách làm phía trên), thì khi chọn người tới xông nhà đầu năm nên ưu tiên:
Chọn người khỏe mạnh, có đạo đức, tính tình vui vẻ, hiền lành, phóng khoáng.
Chọn người có cuộc sống hôn nhân viên mãn, công danh phát đạt, tài lộc đủ đầy, có địa vị và danh vọng trong xã hội thì càng tốt.
Chọn người có tên hay, tên đẹp đến xông đất như tên Phúc, Thọ, An, Khang, Cát Tường, Lộc, Phát... mang ý nghĩa tốt lành.
Chọn người vía tốt: Khi chọn người xông đất xông nhà ưu tiên người có nhân cách tốt, tính tình hài hòa, có công việc tốt, mặt mũi khôi ngô, gia đình hạnh phúc để đảm bảo sẽ mang “vía” tốt lành, sự may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.
Mặc gì khi đi xông đất đầu năm?
Tùy từng năm có Thiên can và Địa chi khác nhau mà chọn người tới xông đất có y phục phù hợp. Tuy nhiên, một quy tắc bất thành văn, các cụ rất kiêng kỵ người đi xông đất mặc đồ màu trắng hoặc đen.
Người trong nhà xông đất được không?
Nếu áp dụng tất cả các biện pháp trên mà gia chủ vẫn không tìm thấy người xông đất Tết này phù hợp thì nên nghĩ tới cách chọn người nhà, hay chính mình tự xông đất nhà mình.
Theo cách này, một thành viên trong gia đình sẽ đi ra ngoài từ lúc chưa hết giờ Trừ Tịch (giao thừa). Người này có thể đi chùa làm lễ, xin lộc sau đó trở về nhà.
Lúc về nhà đã là thời khắc bước sang năm mới rồi, coi như người đó đã hoàn thành thủ tục xông đất xông nhà cho chính gia đình mình.
Người đi xông đất cần làm gì, mang theo gì?
Về phía người tới xông đất, họ thường chỉ ghé thăm chốc lát, chúc Tết chừng vài phút chứ không ở lại lâu. Khi đến nhà, chủ khách hoan hỷ với chén trà, chén rượu, gói mứt đỏ, dành cho nhau những lời chúc tốt lành nhất.
Người được xông đất cũng phấn khởi vì tin rằng vị khách quý sẽ mang may mắn đến với gia đình mình trong năm mới, xua đi những xui xẻo, trở ngại gặp phải trong năm cũ.
Thông thường, người tới xông đất sẽ mang theo những phong bao lì xì đỏ để "phát vốn", mừng tuổi cho gia chủ và cho những thành viên trong gia đình. Giá trị của phong bao lì xì không cần quá lớn và thường sẽ chọn những đồng tiền có màu đỏ để thể hiện sự may mắn.
Ngoài ra, nếu như được gia chủ nhờ hay dặn trước thì người xông đất cũng có thể chuẩn bị thêm những món quà, ví dụ như bức tranh, bức thư pháp hay những vật phù hợp với tuổi của gia chủ để tặng cho họ.
Lời chúc ý nghĩa của người xông đất
Thông thường, khách đến xông nhà người khác sẽ dành những lời chúc tốt đẹp, cát lành nhất cho chủ nhà. Tùy từng độ tuổi, tính chất công việc… mà có lời chúc khác nhau:
Chúc người kinh doanh buôn bán: Buôn may bán đắt, một vốn bốn lời, thịnh vượng phú quý, làm đâu thắng đó, tấn tài tấn lộc, đại phú đại quý…
Chúc người già: Sống lâu trăm tuổi, tăng thọ tăng phúc, gia đạo đuề huề con cháu vui vầy…
Chúc con trẻ: Hay ăn chóng lớn, thi cử đỗ đạt, học hành giỏi giang, chăm ngoan học hỏi…
Nhìn chung là những lời chúc về sự cát lành, may mắn, tiền bạc rủng rỉnh, sự nghiệp hanh thông cát lợi và chuyện tình cảm tình duyên yên ấm viên mãn.
*Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.